Thông tin về Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ

Thứ ba, 10/11/2015 13:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2015.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi tự nhiên dày đặc, phân bố dọc theo chiều dài đất nước, rất thuận lợi và là tiềm năng lớn cho phát triển vận tải thủy nội địa. Vận tải thủy nội địa ở nước ta tập trung chủ yếu ở phía Bắc và phía Nam, trong đó, khu vực Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long chiếm ưu thế mạnh. Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vận tải bằng đường thủy nội địa chưa được phát huy, do cơ sở hạ tầng luồng tuyến đường thuỷ nội địa chủ yếu vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên, hạn chế lớn nhất là luồng tuyến không đồng cấp trên các tuyến vận tải chính: bán kính cong, tĩnh không, khoang thông thuyền của các cầu vượt sông, cống thủy lợi còn nhiều hạn chế, có nơi còn cản trở lớn cho hoạt động của phương tiện thủy, nên kém phát triển chưa phát huy lợi thế cạnh tranh sẵn có. Hoạt động vận tải thủy nội địa đã được xã hội hóa, tuy nhiên quy mô tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh vận tải thủy còn manh mún, chưa tập trung do lực lượng phương tiện chủ yếu tư nhân và hộ gia đình nắm giữ, phương tiện thủy chở container, thiết bị xếp dỡ container tại các cảng thủy nội địa có nguồn vốn lớn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Đặc biệt là khu vực phía Bắc không có cảng thủy nội địa xếp dỡ container do đó lượng hàng này chủ yếu là vận chuyển bằng đường bộ đến các khu công nghiệp và khu chế xuất. Bên cạnh đó, tại khu vực kinh tế xã hội còn khó khăn, người tham gia giao thông bằng đường thủy nội địa chưa được đào tạo cơ bản về giao thông đường thủy nội địa, việc điều khiển phương tiện theo kinh nghiệm, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Do đó, để phát huy hết lợi thế của giao thông đường thủy nội địa, thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ thì việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển giao thông vận tải bằng đường thủy nội địa là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

4. Nội dung chủ yếu

a) Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg gồm 11 Điều.

b) Các nội dung chủ yếu của Quyết định:

Quyết định này quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam. Đối tượng áp dụng của Quyết định này là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, đào tạo, quản lý, khai thác trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam.

Về cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa: Ưu tiên bố trí đủ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác điều chỉnh và thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; Ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi: Vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, vận tải công-ten-nơ.

Về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa: Miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện thủy nội địa chở khách tốc độ cao và phương tiện thủy nội địa vận tải công-ten-nơ.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải thủy nội địa: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương: Trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa; Miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi; Giảm giá vé đối với người có công với cách mạng, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo người lái phương tiện thủy nội địa: Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, hướng dẫn người điều khiển phương tiện thủy nội địa thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cũng theo Quyết định, điều kiện được hưởng cơ chế, chính sách, đó là: Các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật; Các dự án về đầu tư phương tiện thủy nội địa, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải có quy hoạch được duyệt; Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Quyết định còn quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổ chức thực hiện Quyết định này.

Trên đây là thông tin về Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp./.

VỤ PHÁP CHẾ - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

ĐÁNH GIÁ

Chấm điểm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)