Thông tin về Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận sản phẩm nạo vét.

Thứ năm, 12/11/2015 10:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận sản phẩm nạo vét.

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

 Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận sản phẩm nạo vét.

 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và thay thế Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.

3. Nội dung chủ yếu của Thông tư

a)  Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT gồm: 5 Chương, 28 Điều và 04 Phụ lục

b) Các nội dung chủ yếu của Thông tư

Thông tư quy định về nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa bảo đảm giao thông kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách nhà nước. Thông tư không điều chỉnh đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đối tượng áp dụng của Thông tư tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa bảo đảm giao thông kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo Thông tư, chi phí lập, công bố dự án của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải được bố trí từ ngân sách nhà nước trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chi phí do nhà đầu tư chi trả gồm: chi phí khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ dự án; chi phí thẩm tra hồ sơ thiết kế, dự toán; chi phí lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường; chi phí tư vấn giám sát dự án; các khoản thuế, phí sản phẩm tận thu; chi phí thi công dự án; chi phí khắc phục sự cố do lỗi của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; chi phí khác (nếu có) do Nhà đầu tư chi trả.

Thông tư quy định rõ danh mục dự án nạo vét do Cục Đường thủy nội địa VN, Sở GTVT trình Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh phê duyệt trước ngày 30/9 hàng năm. Trên cơ sở đó nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án; ngoài ra nhà đầu tư được đề xuất thực hiện dự án ngoài danh mục công bố.

Thông tư còn đưa ra các quy định khá chặt chẽ đối với nhà đầu tư dự án như: nhà đầu tư phải là chủ sở hữu các thiết bị thi công chủ yếu mới được xem xét thẩm định lựa chọn thực hiện dự án. Nhà đầu tư được thẩm định để lựa chọn thông qua việc chấm điểm tiêu các tiêu chí, phải đạt tối thiểu 50% số điểm tối đa của mỗi tiêu chí và tổng số điểm phải tối thiểu đạt 70/100 điểm. Trường hợp các nhà đầu tư bằng điểm nhau, nhà đầu tư có chứng nhận đăng ký kinh doanh tại địa phương nơi có dự án được ưu tiên lựa chọn. Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh chấp thuận nhà đầu tư dự án; nếu không chấp thuận có văn bản trả lời rõ.

Cũng theo Thông tư, nhà đầu tư đăng ký tận thu sản phẩm tại địa phương nơi nạo vét theo quy định của pháp luật khoáng sản. Biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dự án được áp dụng dưới hình thức bảo lãnh của ngân hàng hoặc hình thức hợp pháp khác, số tiền bảo đảm không thấp hơn 3% tổng mức đầu tư (hiện nay là 5%). Dự án phải có đơn vị tư vấn giám sát đủ năng lực, được Cục Đường thủy nội địa VN, Sở GTVT chấp thuận.

Thông tư cũng quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn: nhà đầu tư không triển khai sau 15 ngày kể từ khi ký kết hợp đồng; bán, trao đổi sản phẩm tận thu khi chưa được UBND cấp tỉnh phê duyệt đăng ký sản phẩm tận thu; tiến độ thi công chậm; để xảy ra mất ATGT; vi phạm thỏa thuận hợp đồng.

Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định về điều kiện triển khai thi công dự án; trách nhiệm quản lý, giám sát thực hiện dự án, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng như trách nhiệm khi hoàn thành và bàn giao dự án./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)