Thông tin về Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ

Thứ bẩy, 26/12/2015 13:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông tin về Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

2. Hiệu lực thi hành

Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 và bãi bỏ những quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải và đường thủy nội địa (Nghị định số 93/2013/NĐ-CP) ban hành trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ngày 17 tháng 6 năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (Luật số 48/2014/QH13), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn Luật. Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều nội dung mới điều chỉnh hoạt động quản lý, khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa. Do đó, có nhiều hành vi mới xuất hiện, bên cạnh đó còn có những thay đổi về từ ngữ chuyên môn cần được điều chỉnh trong Dự thảo Nghị định.

Qua hai năm thực hiện Nghị định số 93/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đã phát sinh những tồn tại, bất cập, cụ thể:

- Một số hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông, gây mất an toàn, đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người trong lĩnh vực giao thông đường thủy xảy ra nhiều, mặc dù đã xử phạt nhưng chưa bảo đảm tính răn đe do mức phạt thấp, mức phạt chưa tương ứng với tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm, ví dụ như: các hành vi xây dựng công trình, khai thác cát, sỏi trên đường thủy nội địa không đúng quy định, cố ý tạo vật chướng ngại trên đường thủy nội địa; hành vi khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản trên đường thủy nội địa; hành vi đóng mới, sửa chữa phương tiện không đúng quy định; hành vi liên quan đến vận chuyển quá tải của phương tiện: chở quá sức chở của phương tiện, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn và hành vi khai thác cảng, bến thủy nội địa không đúng quy định.…

- Một số hành vi vi phạm cần phải có hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả để xử lý triệt để và khắc phục được lỗi vi phạm, ví dụ như: hành vi xây dựng công trình trong phạm vi luồng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, hành vi đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.…

- Có hành vi cần phải mở rộng đối tượng bị xử phạt, ví dụ: hành vi “xếp hàng hóa xuống phương tiện vượt quá chiều ngang, chiều dài của phương tiện hoặc làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện” cần áp dụng xử phạt đối với chủ cảng, bến thủy nội địa nhằm tăng cường trách nhiệm của các chủ cảng, bến trong việc bảo đảm an toàn giao thông.

- Có hành vi vi phạm đã được quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 nhưng chưa được quy định xử phạt trong Nghị định số 93/2013/NĐ-CP, ví dụ như hành vi vượt phương tiện khác nơi có báo hiệu cấm vượt, phía trước có phương tiện đi ngược lại hay có chướng ngại, nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, nơi có báo hiệu chiều rộng luồng bị hạn chế, khi đi qua khoang thông thuyền, âu tàu.

- Nghị định số 93/2013/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở gộp hai lĩnh vực: giao thông hàng hải và giao thông đường thủy nội địa. Hai lĩnh vực này độc lập với nhau nên kết cấu của Nghị định số 93/2013/NĐ-CP có những phần riêng về hành vi vi phạm và thẩm quyền xử phạt vi phạm đối với từng lĩnh vực. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho lực lượng thực thi, các nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân khác trong việc tra cứu, áp dụng. Việc tách các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa từ Nghị định số 93/2013/NĐ-CP thành Nghị định riêng không ảnh hưởng đến tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa. Đồng thời cũng không ảnh hưởng đến quá trình áp dụng, vận dụng pháp luật trong quá trình thực thi pháp luật của các lực lượng, bởi vì khi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực, thì Nghị định số 93/2013/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực trong lĩnh vực hàng hải. Mặt khác, việc tách này còn tạo thuận lợi hơn cho việc tra cứu của các lực lượng thực thi pháp luật và các tổ chức, cá nhân khác, tiết kiệm chi phí trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Từ các căn cứ trên cho thấy việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa trên cơ sở tách nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa của Nghị định số 93/2013/NĐ-CP là cần thiết.

4. Nội dung chủ yếu của Nghị định

a) Nghị định số 132/2015/NĐ-CP gồm 04 Chương, 47 Điều.

b) Các nội dung chủ yếu của Nghị định:

- Về phạm vi điều chỉnh:

Bổ sung quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa và tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa ở ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải cũng được áp dụng xử phạt theo quy định tại Nghị định này” trên cơ sở quy định tại Điều 101a Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi).

- Bổ sung hành vi vi phạm:

+ Sử dụng phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch mà không có biển hiệu theo quy định (khoản 4 Điều 11);

+ Khai thác phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định (Điều 14);

+ Không có nhân viên kỹ thuật theo quy định; không thành lập doanh nghiệp theo quy định đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện (điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều 15).

+ Chở vượt quá số người được phép chở trên nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú du lịch ngủ đêm (khoản 8 Điều 26).

  + Một số hành vi khác.

- Điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi để đủ tính răn đe, bảo đảm an toàn giao thông, phù hợp với thực tiễn, cụ thể đối với các hành vi:

+ Xây dựng nhà, công trình trên đường thủy nội địa không đúng quy định (khoản 8 và điểm a khoản 10 Điều 5);

+ Khai thác cát, sỏi trên đường thủy nội địa không đúng quy định (khoản 9 Điều 5);

+ Cố ý tạo vật chướng ngại trên đường thủy nội địa, sử dụng chất nổ làm ảnh hưởng đến an toàn công trình khác trên đường thủy nội địa (điểm b và điểm c khoản 10 Điều 5);

+ Khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản trên đường thủy nội địa làm cản trở, mất an toàn giao thông (Điều 8);

+ Đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện không đúng quy định (Điều 15);

+ Khai thác cảng, bến thủy nội địa không đúng quy định (khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 23);

+ Vận chuyển người, hành khách không đúng quy định (Điều 26), chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (khoản 3 Điều 28);

+ Khai thác cảng, bến thủy nội địa không đúng quy định như: đưa bến thủy nội địa vào hoạt động mà không có giấy phép, đưa cảng vào khai thác mà chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động; để khách xuống phương tiện quá sức chở của phương tiện hoặc xếp hàng hóa xuống phương tiện quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.…

+ Một số hành vi khác.

- Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm, ví dụ như:

+ Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “buộc tháo dỡ công trình xây dựng không đúng quy định” đối với hành vi “xây dựng công trình trong phạm vi luồng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền” quy định tại điểm a khoản 10 Điều 5;

+ Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “buộc di dời dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện” đối với hành vi “đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện” quy định tại khoản 2 Điều 8;

+ Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu dụng cụ, phương tiện” đối với hành vi “không dỡ bỏ dụng cụ, không di dời phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản ngay sau khi chấm dứt hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng” và hành vi “không dỡ bỏ, di chuyển, thu hẹp dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản theo thông báo của đơn vị quản lý đường thủy nội địa”quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 8;

+ Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động của phương tiện từ 01 đến 02 tháng” đối với hành vi “sử dụng phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuận và bảo vệ môi trường của phương tiện hoặc phương tiện không bảo đảm tình trạng kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định” quy định tại khoản 5 Điều 11.

- Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số lực lượng: Cảng vụ hàng hải, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, lực lượng kiểm ngư và phân định rõ hơn thẩm quyền xử phạt của các lực lượng chức năng theo phạm vi quản lý.

- Sắp xếp lại một số khoản, điều cho hợp lý.

Trên đây là thông tin chủ yếu về Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ Quy đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp./.

ĐÁNH GIÁ

Chấm điểm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)