Thông tư số 43/2015/TT-BGTVT ngày 20/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục cấp, phê duyệt, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải.
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư số 43/2015/TT-BGTVT ngày 20/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục cấp, phê duyệt, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải.
2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2015 và thay thế Thông tư số 45/2013/TT-BGTVT ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục cấp, phê duyệt, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải.
3. Nội dung chủ yếu
a) Thông tư số 43/2015/TT-BGTVT gồm 12 Điều.
b) Các nội dung chủ yếu của Thông tư:
Thông tư này quy định về kiểm tra về lao động hàng hải theo Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (sau đây gọi tắt là Công ước MLC 2006) cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế; việc cấp, phê duyệt, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải theo quy định của Công ước MLC 2006 cho tàu biển Việt Nam có tổng dung tích từ 500 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế.
Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kiểm tra về lao động hàng hải cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và cấp, phê duyệt, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải, Giấy chứng nhận Lao động hàng hải theo Công ước MLC 2006.
Thông tư đã quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, trình tự, thời gian, cơ quan giải quyết và các biểu mẫu của các thủ tục cấp Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần I, phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải tạm thời.
Đồng thời Thông tư đã quy định các trường hợp Mất hiệu lực, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần I và Mất hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận Lao động hàng hải, theo đó Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần I bị mất hiệu lực, thu hồi trong các trường hợp sau: Thay đổi tên tàu; Tàu thay đổi cờ quốc tịch; Thay đổi chủ tàu. Giấy chứng nhận Lao động hàng hải bị mất hiệu lực, thu hồi trong các trường hợp: Việc kiểm tra trung gian đối với tàu biển Việt Nam có tổng dung tích từ 500 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế không hoàn thành trong thời gian quy định tại khoản 4 Điều 4 của Thông tư này; Cơ quan có thẩm quyền xác nhận tàu không còn phù hợp với quy định của Công ước MLC 2006; Tàu thay đổi cờ quốc tịch; Thay đổi chủ tàu; Thay đổi kết cấu, trang thiết bị hoặc phương thức tuân thủ Công ước MLC 2006 theo quy định. Cục Đăng kiểm Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận Lao động hàng hải trong các trường hợp: Tàu biển không còn khả năng đáp ứng đủ điều kiện tuân thủ quy định của pháp luật về lao động hàng hải; Giả mạo, tẩy xóa hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin liên quan nêu trong Giấy chứng nhận Lao động hàng hải và Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II đã được phê duyệt.
Tại Thông tư đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan bao gồm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có tàu biển được phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải, cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải là: xuất trình Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cho cảng vụ hàng hải, các cơ quan có liên quan tại cảng biển khi làm thủ tục cho tàu ra, vào cảng; thực hiện đúng theo nội dung trong Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải, Giấy chứng nhận Lao động hàng hải và các quy định của Công ước MLC 2006. Trách nhiệm của cơ quan cấp, phê duyệt Bản công bố phù hợp lao động hàng hải, Giấy chứng nhận lao động hàng hải và kiểm tra về lao động hàng hải: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam: tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định tại Thông tư này; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định hồ sơ, phê duyệt và cấp Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải, Giấy chứng nhận Lao động hàng hải. Cảng vụ hàng hải: kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động hàng hải đối với tàu biển Việt Nam theo quy định. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế: chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải, Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần I và việc phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II; kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về những bất cập phát sinh và kiến nghị các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.