1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015
2. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
3. Nội dung chủ yếu của Luật
Pháp lệnh phí và lệ phí được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-8-2001 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2002. Sau gần 13 năm áp dụng vào thực tế cuộc sống, Pháp lệnh phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Luật Phí, lệ phí đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, đồng thời bãi bỏ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2011/PL-UBTVQH10.
Đây là một đạo luật quan trọng với ý nghĩa là bước ngoặt mới trong quản lý phí, lệ phí, tạo hành lang pháp lý mới đầy đủ và đồng bộ hơn. Luật được xây dựng với mục tiêu là thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan; từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí, khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong các ngành, lĩnh vực cung cấp dịch vụ có thu phí, lệ phí. Theo đó, Luật Phí, lệ phí gồm 6 chương, 25 điều với một số nội dung thay đổi đáng lưu ý như sau:
Điểm mới thứ nhất là về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đó, luật quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, luật nêu rõ: Luật này quy định về danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu; miễn, giảm, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí. Về đối tượng áp dụng, luật quy định như sau: Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước (bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí. Như vậy, so với pháp lệnh hiện hành thì luật không điều chỉnh đến các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.
Điểm mới thứ hai trong luật này là về danh mục phí, lệ phí. Theo đó, để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí được chuyển sang cơ chế giá. Trong đó, một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng nhà nước vẫn cần quản lý giá. Như vậy, theo quy định tại danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo luật này sẽ bao gồm 213 khoản phí, 103 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá.
Điểm mới thứ ba trong luật này là những quy định về miễn, giảm phí, lệ phí. Theo đó, các trường hợp thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí gồm: trẻ em; hộ nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật và một số trường hợp đặc biệt khác... Đồng thời, để tăng cường phân cấp quản lý phí, lệ phí, Luật Phí, lệ phí đã bổ sung thêm về thẩm quyền miễn, giảm phí, lệ phí như sau: Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí được phân cấp trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật này.
Điểm mới thứ tư là về nội dung quản lý, sử dụng phí, lệ phí đã được cụ thể hóa trong luật và đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Cụ thể, luật quy định rõ: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện, được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước theo quy định sau: Số tiền phí được để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí cơ quan có thẩm quyền quyết định mức để lại cho tổ chức thu phí. Số tiền phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hằng năm phải quyết toán thu, chi. Số tiền phí chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước; việc quản lý và sử dụng phí thu theo quy định của pháp luật.
Ngoài những nội dung nêu trên, luật còn quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí, người nộp phí, lệ phí và của các cơ quan nhà nước về quản lý phí, lệ phí.