Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT trên đường bộ cao tốc

Thứ tư, 10/08/2016 15:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Đến năm 2020 sẽ đầu tư khoảng trên 2.500 km và dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư khoảng 2.000 - 2.500 km đường bộ cao tốc.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họ

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp về Đề án xây dựng các giải pháp 
bảo đảm trật tự, ATGT trên hệ thống đường bộ cao tốc (chiều ngày 10/8/2016). Ảnh Xuân Nguyên

Ông Phan Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, tình hình tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc đã và đang diễn ra phứ tạp, nguyên nhân là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đường bộ cao tốc được ban hành chậm, thiếu đồng bộ; các trang thiết bị bảo đảm ATGT còn hạn chế, hệ thống giao thông thông minh (ITS) chưa được đầu tư đồng bộ, việc bố trí trạm dừng nghỉ còn bất cập; thiếu kết nối quản lý vận tải; vẫn còn tồn tại phương tiện quá tải đi vào đường cao tốc; chương trình đào tạo kỹ năng lái xe trên đường cao tốc còn thiếu...

Ông Phan Mạnh Cường cho rằng, từ những nguyên nhân trên, cần thiết phải xây dựng các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT trên hệ thống đường bộ cao tốc nhằm nâng cao hiệu lục, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, ATGT trên đường bộ cao tốc; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành phát luật về trật tự ATGT cho người lái xe và người dân; tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, sự cố giao thông, các rủi do gây tay nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên đường bộ cao tốc một các bền vững.

Một trong những giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT trên hệ thống đường bộ cao tốc mà ông Phan Mạnh Cường đưa ra đó là phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cùng với đó là các giải pháp về kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức hợp lý vận tải trên tuyến; phương tiện; đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; xây dựng hệ thống ITS, tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn và nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trên thực tế, vấn đề quản lý khai thác, bảo trì và  bảo đảm ATGT trên các tuyến đường bộ cao tốc hiện nay là hết sức cần thiết nhằm giảm thiểu TNGT. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất trật tự, ATGT có từ yếu tố khách quan và chủ quan nhưng tập trung chủ yếu là do hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh (đường gom, hầm chui, cầu vượt..) vẫn chưa được hoàn thiện, ý thức của người dân và người tham gia giao thông trên tuyến còn hạn chế.

Để góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao công tác quản lý nhà nước bảo đảm ATGT, ông Nguyễn Xuân Hưng đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác tuyên tuyên truyền dưới các hình thức để phát huy hơn nữa hiệu quả tuyên truyền và giao Cục Quản lý đường bộ cao tốc chủ trì; tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng công trình giao thông, nâng cao năng lực vận tải.

“Cục Quản lý đường bộ cao tốc sẽ rà soát, đẩy nhanh công tác xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý và bảo trì hệ thống đường cao tốc; lập các kế hoạch thanh tra, kiểm tra; tổ chức thẩm định an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý khai thác và bảo trì đường cao tốc theo hướng hiện đại hóa nhằm đảm bảo trì công trình đường cao tốc” - Ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết.

Về hiệu quả của hệ thống ITS trong quản lý giám sát giao thông, ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, với hệ thống camera trải dọc trên toàn tuyến cho phép nhân viên giám sát có khả năng giám sát toàn diện tuyến đường, qua đó kịp thời phát hiện vi phạm trật tự ATGT, những hành vi phá hoại, hư hỏng về tài sản cầu đường do các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc gây ra, cũng như truy tìm có hiệu quả các phương tiện gây tai nạn bỏ trốn. Trên thực tế, hàng năm thông qua hệ thống ITS, nhân viên vận hành đã truy tìm được nhiều phương tiện gây hư hỏng tài sản cầu đường góp phần bảo vệ tài sản đường cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ phát lệnh thông xe cao tốc dài nhất Việt Nam

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh Xuân Nguyên

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong những năm qua, hệ thống đường bộ đã và đang được đầu tư xây dựng và đi vào sử dụng đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình trật tự, ATGT còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đường bộ cao tốc đã được xây dựng và hoàn thiện; hiên đang tập trung vào các giải pháp về hạ tầng giao thông, biển báo hiệu giao thông, xây dựng hệ thống ITS, các điểm dừng, đỗ, tổ chức vận tải, xây dựng trạm dừng nghỉ, trách nhiệm của địa phương, công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, nghiệp vụ, hướng dẫn trên đường cao tốc.

"Để tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước cần phải phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể đến từng đơn vị, bộ phận; xây dựng cơ chế phối hợp từ các cơ quan của Trung ương đến các địa phương, bằng các quy chế phối hợp liên ngành. Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm ATGT trên các tuyến cao tốc; quản lý đường cao tốc theo đúng tiêu chuẩn, tổ chức giao thông hợp lý" - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm chỉnh quy định trong công tác bảo đảm ATGT trên tuyến đường cao tốc; lực lượng cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ nắm chắc công việc được giao, chủ động xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không tuân thủ quy định trên tuyến đường cao tốc; đồng thời sử dụng thành thạo các phương tiện thiết bị, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ nhằm bảo đảm ATGT trên các tuyến đường cao tốc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong 5 năm (2010 - 2014), trên tuyến đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương xảy ra 403 vụ tai nạn giao thông; tính riêng năm 2014, tuyến đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người và 48 người bị thương; trong đó lỗi do người diều khiển phương tiện là 39 vụ (chiếm 78% tổng số vụ); tỷ lệ đối tượng bị TNGT đi xe máy không đội mũ bảo hiểm thấp, tỉ lệ tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia từ 20 - 30% (năm  2012 thấp nhất là 14,1%, năm 2010, 2011 cao là 32,4%); tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông chiếm cao nhất là năm 2014 với 23,5%; thấp nhất là năm 2010 với 3,8%. Tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông nhập viện cao nhất năm 2014 là 24,4%, thấp nhất năm 2010 là 3,7%. Phần lớn tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông gặp ở nam giới.

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)