Đại biểu Quốc hội: Đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Thứ ba, 11/01/2022 16:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trao đổi bên lề kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Nhà thầu thi công nền đường một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trao đổi bên lề Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau... đã bày tỏ quan điểm về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông: Không thể chậm hơn nữa

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho biết hạ tầng giao thông là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia nói chung và ở từng vùng miền nói riêng.

Tầm quan trọng của tuyến cao tốc này đã được xác định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhưng do nguồn lực tài chính của quốc gia có hạn nên chưa thể làm được. Lần này, Quốc hội quyết định rất đúng và có thể nói là không thể chậm hơn nữa. Việc hoàn thành tuyến đường này cũng sẽ là nhân tố rất quan trọng trong phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và thúc đẩy kinh tế-xã hội quốc gia phát triển.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, để dự án nhanh chóng được triển khai kịp thời, chất lượng, hiệu quả cần xử lý các vấn đề như sau:

Trước tiên, dự án có nguồn tài chính lớn, tác động lớn đến người dân (nhất là ở khâu giải mặt bằng) nên công tác giám sát trong quá trình thực hiện là vô cùng quan trọng. Chất lượng công trình là yếu tố có tác động đến hiệu quả khai thác, an toàn trong vận hành, vì vậy nội dung này cần được xem trọn. Sự tham gia của chuyên gia, kể cả chuyên gia quốc tế và người dân ở một số địa phương có ý nghĩa lớn đối với công trình trong quá trình xây dựng.

Thêm vào đó, trong thời gian khá ngắn, từ nay đến năm 2025, dự án triển khai 729km và tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ và các địa phương. Trong số 12 dự án thành phần thì có nhiều dự án thành phần còn phải thực hiện rất nhiều phần việc, nhất là giải phóng mặt bằng, tái định cư dân... nếu không có các giải pháp hợp lý khó hoàn thành đúng kế hoạch.

Vì vậy, để Dự án thành công, sự phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và các địa phương phải được xem xét là yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai, qua đó nhiều khó khăn có thể được kịp thời tháo gỡ, khắc phục.

Đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Trao đổi về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Với vai trò của một đại biểu, tôi rất ủng hộ vấn đề này. Tôi cho rằng đây là một dự án hết sức phù hợp, tạo sự phát triển đồng đều về kinh tế-xã hội của quốc gia."

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, dự án cũng đã tiến hành được một số đoạn và đã qua mấy năm, nhưng đánh giá chung thì tốc độ của dự án còn khá chậm. Vì vậy, Quốc hội thông qua việc tiếp tục đầu tư một cách mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới để sớm hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc-Nam phía Đông là việc cần thiết, đúng đắn.

Để dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông khi đưa vào sử dụng có thể phát huy tối đa hiệu quả, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng theo quy hoạch, hệ thống cao tốc sẽ chạy dọc xuyên suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị ở biên giới phía Bắc nhưng điểm cuối chỉ đến thành phố Cà Mau. Trong khi đó, điểm cuối là Đất Mũi-Cà Mau vẫn còn khoảng hơn 100km.

Đại biểu cho rằng đây là một vấn đề còn bất cập và chưa thật sự hợp lý. Bởi đây là mạch máu của nền kinh tế thì mạch máu đó không thể chừa lại một đoạn có vị trí quan trọng như vậy. Do đó, nếu trong giai đoạn 2021-2025, chúng ta chưa thể bổ sung vào quy hoạch thì nên cân nhắc trong giai đoạn tiếp theo cần phải bổ sung cho hoàn chỉnh. Với tầm nhìn đó, khi nào có nguồn lực, có nhà đầu tư thì chúng ta sẽ tranh thủ làm ngay.

Một vấn đề quan trọng khác mà đại biểu Nguyễn Quốc Hận lưu ý cần có sự điều chỉnh là đoạn cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau được thi công trong giai đoạn 2021-2025 chỉ có 4 làn xe. Dù nền kinh tế của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, nên đầu tư một lần và cân nhắc đầu tư thành 6 làn xe.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phân tích khâu khó nhất vẫn là giải phóng mặt bằng, do đó nên đầu tư thực hiện một lần, tránh để vấn đề tiếp tục phát sinh. Ban đầu, chỉ đầu tư cho 4 làn xe nhưng nếu sau đó tiếp tục đầu tư thêm 2 làn xe nữa thì chi phí sẽ rất tốn kém.

Đại biểu cho rằng nếu đầu tư ngay từ bây giờ, chi phí đó cũng chỉ tăng lên thêm 1,5 lần, nhưng nếu sau này đầu tư thêm thì chi phí phải tăng gấp 2-3 lần mức đầu tư hiện nay.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị việc đầu tư đường cao tốc theo trục dọc đã đưa vào các kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đối với trục ngang Đông-Tây và các trục khác cũng nên thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Với việc đầu tư đồng bộ như vậy, kết hợp cùng với cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ sẽ tạo được động lực cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên họp chiều 10/1. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ông Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đánh giá hành lang vận tải trên trục Bắc-Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Đặc biệt, Dự án khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế-chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế...

“Có thể nói, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Trên hành lang vận tải này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063km, đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư. Với vai trò là trục huyết mạch, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia," đại biểu Nguyễn Duy Thanh chia sẻ.

Đại biểu thông tin thêm việc triển khai đầu tư Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 được Quốc hội khóa XV thông qua; phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch các ngành, địa phương.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác giám sát, bảo đảm chất lượng công trình, quản lý và phát huy hiệu quả công trình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân sinh, đại biểu Nguyễn Duy Thanh kiến nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư như quy hoạch, thiết kế… gắn liền với việc thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Theo đại biểu, cần tổ chức tốt việc tái định cư, tạo điều kiện cho người dân có đời sống ổn định, yên tâm lao động, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, trong quá trình đấu thầu phải lựa chọn đơn vị tốt nhất, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, thiết bị thi công, tránh tình trạng thất thoát có thể xảy ra thông qua việc chỉ định thầu.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, khớp nối các dự án thành phần… bảo đảm quá trình liên tục, đồng thuận, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có yêu cầu về vật liệu xây dựng của các dự án; tăng cường công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo đúng yêu cầu thiết kế dự án.

Thúc đẩy liên kết giữa các vùng 

Trao đổi với phóng viên về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, ông Hoàng Đức Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khẳng định việc triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là sự tiếp nối của giai đoạn 1 đã thực hiện từ 2017-2020. Hiện nay, đất nước ta có 4 trục giao thông chiến lược dọc theo chiều dài của đất nước gồm Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển và đường sắt Bắc-Nam cùng với tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ góp phần hình thành một mạng lưới giao thông hoàn thiện của quốc gia.

Việc triển khai tổng thể tuyến cao tốc Bắc-Nam với 2.063km sẽ tạo nên năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Dự án được lập cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định.

Nhà thầu triển khai thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án hoàn thiện sẽ là mũi nhọn huyết mạch trong phát triển kinh tế của quốc gia trên tinh thần “giao thông đi trước mở đường để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước." Vì vậy, việc hoàn thiện 729km còn lại là việc làm rất cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: Công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trải dài từ cửa khẩu Hữu Nghị của tỉnh Lạng Sơn đến tận cùng mũi Cà Mau là một trục đường có ý nghĩa huyết mạch cùng với hệ thống đường giao thông trục dọc và trục ngang sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của đất nước, qua đó, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, các địa phương xuyên suốt Bắc-Trung-Nam. Dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương nơi tuyến đường cao tốc đi qua trong việc kết nối, giao thương.

Riêng với tỉnh Quảng Trị rất cần tuyến đường cao tốc này, do tuyến đường thủy và đường hàng không đang gặp nhiều khó khăn. Đây được xem là một giải pháp chiến lược kết nối Quảng Trị với các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế trọng điểm ở hai đầu đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, để phát huy hiệu quả tốt nhất của tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cần có sự kết nối với các trục đường dọc và trục đường ngang hiện có, qua đó, tạo mạng lưới giao thông thuận lợi với các địa phương, cụm kinh tế lớn./.

toanld

Nguồn: TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)