VATM sau hơn 5 năm thực hiện Đề án Nâng cao năng lực, an toàn và chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay

Thứ năm, 27/08/2020 07:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đề án Nâng cao năng lực, an toàn và chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Đề án) được Bộ GTVT phê duyệt ngày 31/12/2014. Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, hầu hết các nội dung của Đề án đã hoàn thành, một số nội dung đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Năng lực điều hành bay của Tổng công ty được nâng cao, an toàn được đảm bảo, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể.

Từ thực tiễn kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty giai đoạn 2015-2019 đã cho thấy, định hướng xây dựng, nội dung các giải pháp và kết quả đạt được của Đề án là đúng đắn và phù hợp.

Năng lực của toàn hệ thống điều hành bay của Tổng công ty đã được nâng lên, từ mức 508.244 lần chuyến năm 2013, đến năm 2019, Tổng công ty đã đạt sản lượng điều hành bay 972.908 lần chuyến. Năng lực tăng nhanh, nhưng nhờ các biện pháp kịp thời và hiệu quả, đã không để xảy ra tình trạng quả tải diện rộng hoặc quá quả có nguy cơ gây uy hiệp an toàn bay.

Các nhiệm vụ của 7 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực, an toàn, chất lượng các dịch vụ của Tổng công ty trong Đề án được triển khai đồng bộ, theo đúng tiến độ đã hỗ trợ tốt việc điều hành và thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của Tổng công ty. Nhiều chỉ tiêu kế hoạch, tài chính của Tổng công ty đạt được cũng là kết quả của việc thực hiện các giải pháp của Đề án.

Lễ ký kết Ý định thư về Chương trình hợp tác
Quản lý không lưu giữa VATM và AIRBUS

Thực hiện nhóm giải pháp về nâng cao năng lực điều hành bay và an toàn hàng không, Tổng công ty đã triển khai hàng loạt các nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực thông qua của vùng trời đường dài, vùng kiểm soát tiếp cận và năng lực thông qua của các sân bay. Một số kết quả quan trọng phải kể đến là đã nghiên cứu tổ chức lại vùng trời, thiết lập các đường hàng không song song một chiều giữa các sân bay lớn trong nước, thực hiện giảm phân cách trên khu vực đường dài, tiếp tục nghiên cứu, tối ưu hóa vùng trời, phương thức bay, thiết lập các đường bay quốc tế song song một chiều, phối hợp với các đơn vị quân sự để nghiên cứu các phương án nhằm nâng cao năng lực điều hành bay.

Đối với khu vực kiểm soát tiếp cận và tại các sân bay, đã thực hiện rà soát và xây dựng phương thức bay SID/STAR PBN theo hướng lập thể, không giao cắt; phân chia khu vực đi, đến cho 3 cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất; thiết lập Trung tâm Kiểm soát tiếp cận (APP) Cam Ranh, Cát Bị; đưa vào áp dụng phân cách tối thiểu 3 dặm tại khu vực sân bay Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất; áp dụng phương thức cất cánh tại giao điểm của đường cất hạ cánh tại các sân bay Nội Bài, Đà Năng, Tân Sơn Nhất, hiện đang tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Cảng Hàng không để thực hiện dự án Phối hợp ra quyết định tại sân bay (A-CDM) nhằm nâng cao công tác phối hợp cũng như năng lực tổng thể tại sân bay. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đã triển khai song song các nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống trang thiết bị kỹ thuật; tiến hành thay thế, bổ sung các trang thiết bị dẫn đường, bổ sung các trạm ADS-B phục vụ giám sát, đưa mạng thông tin AMHS vào hoạt động, hoàn thành đầu tư thiết bị VHF, các trạm VSAT, hợp tác với các quốc gia lân cận để triển khai kết nối AIDC. Hoàn thiện Hệ thống quản lý an toàn (SMS), nâng cao an toàn hệ thống kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay đồng thời xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong toàn Tổng công ty.

Triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng dịch vụ, quản trị doanh nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sắp xếp lại mô hình tổ chức, kiện toàn theo hướng tinh gọn và chuyên môn hóa để nâng cao chất lượng đối với các dịch vụ Khí tượng (MET), Thông báo tin tức hàng không (AIS) và Tìm kiếm cứu nạn hàng không (SAR); áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO) cho các dịch vụ AIS, MET và CNS. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến đối với một Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (ANSP) theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Về tổ chức, quản lý nhân lực, đã điều chuyển đưa ra khỏi dây chuyền các Kiểm soát viên không lưu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; xây dựng ban hành định biên lao động, hệ thống tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.

Triển khai thực hiện phương án xã hội hóa đào tạo cơ bản kiểm soát viên không lưu trong nước và tại nước ngoài để tăng thêm nguồn nhân lực KSVKL chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trước mắt và trong tương lai. Thành lập Trung tâm Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện đồng thời bố trí ưu tiên các nguồn lực về tài chính cho công tác đào tạo huấn luyện để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Thực hiện hiệu quả giải pháp về huy động vốn đầu tư cho công tác đầu tư phát triển, rà soát cân đối lại nguồn vốn đầu tư, kiến nghị giải trình với các cơ quan Nhà nước để có cơ chế phù hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc, đảm bảo triển khai các dự án cấp bách, các công trình bảo đảm hoạt động bay bằng nguồn vốn đầu tư của Tổng công ty, một số dự án được sử dụng vốn vay thương mại đã kịp thời trả nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng trước thời hạn theo đúng các quy định của pháp luật. Một số dự án được dự kiến thực hiện giải pháp huy động vốn xã hội cho đầu tư theo Đề án đã phê duyệt, tuy nhiên đã được xem xét lại trên cơ sở thực tế và tạm dừng chưa triển khai, khi có các điều kiện thuận lợi và khả thi sẽ đưa vào kế hoạch.

Tồng công ty cũng đã và đang duy trì hợp tác với các công ty, đối tác nước ngoài trong việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo hoạt động bay, tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài như hỗ trợ của Tập đoàn Airbus - Pháp thông qua Thỏa thuận hợp tác với Công ty Navblue về Chương trình hợp tác Quản lý không lưu tại Việt Nam; Thỏa thuận tài trợ không hoàn lại với Công ty JRC của Nhật Bản với giá trị tài trợ khoảng 43 tỷ đồng theo Dự án cung cấp, lắp đặt, kiểm tra, đánh giá và chuyển giao hệ thông giám sát đa điểm (MLAT) tại sân bay Phú Quốc; Thỏa thuận tài trợ với Cơ quan thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) với số tiền hơn 20 tỷ đồng để trả cho đơn vị tư vấn là Tập đoàn Mitre để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng kế hoạch tổng thể Quản lý luồng không lưu (AFTM) tại Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo đã tặng hoa phi hành đoàn
của chuyến bay điều hành thứ 900 nghìn năm 2019

Đề án nâng cao năng lực, an toàn và chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đã góp phần quan trọng làm lên những thành tựu, dấu ấn phát triển của Tổng công ty trong giai đoạn 2015-2020. Trước những phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong ngành hàng không nói chung và ngành quản lý bay nói riêng cũng như những thách thức của phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới đang đặt ra yêu cầu cần cập nhật, điều chỉnh phương hướng, kế hoạch phát triển của Tổng công ty trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với khu vực và quốc tế.

                                                                                          

kieuanh

Nguồn: VATM

TAGS : vatm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)