Ngày 12/12/2015, Bộ GTVT tổ chức Lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng Cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 nối hai tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng và công trình cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang. Cầu Đại Ngãi là một trong những dự án lớn nhất tại khu vực đồng thời là dự án trọng điểm quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển KTXH và an ninh quốc phòng đối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh nói riêng.
Dự Lễ, có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể; Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, Bộ GtVT, bà con các vùng Dự án.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát lệnh khởi động cầu Châu Đốc
Cầu Đại Ngãi rút ngắn cự ly từ TP. HCM đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 70 km
Tại buổi Lễ, đại diện Ban QLDA 7 (Bộ GTVT), cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho biết: Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 nối hai tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng có điểm đầu giao với Quốc lộ 54, thuộc địa phận huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao với đường Nam sông Hậu, thuộc địa phận huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Các đại biểu dự Lễ
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.726 tỷ đồng, được phân thành 02 hợp phần độc lập: Hợp phần 1 (tổng mức đầu tư 2.754 tỷ đồng): Đầu tư xây dựng phần cầu chính dây văng của cầu Đại Ngãi 1 theo hình thức hợp đồng BOT và hợp phần 2 (tổng mức đầu tư 2.972 tỷ đồng): Bao gồm toàn bộ phần cầu dẫn của cầu Đại Ngãi 1; cầu Đại Ngãi 2, đường dẫn vào cầu, các hạng mục còn lại của Dự án và công tác giải phóng mặt bằng, được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020. Dự kiến khởi công dự án trong Quý I năm 2016 và dự kiến hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng trong Quí IV năm 2018.
Cầu Đại Ngãi nằm về phía hạ lưu bến phà hiện hữu và Trung tâm nhiệt điện Long Phú, cách phà hiện hữu khoảng 7,8km; vượt qua luồng Định An (cầu Đại Ngãi 1), đi qua Cù Lao Dung, vượt qua luồng Trần Đề (cầu Đại Ngãi 2) và kết thúc tại điểm giao với tuyến Nam Sông Hậu.
Chiều dài toàn tuyến của Dự án khoảng 15,2km, bao gồm: 02 cầu chính (cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2), 05 cầu trung và nhỏ và đường dẫn vào cầu. Trong đó: Cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24km; vượt qua luồng Định An, đảm bảo khổ thông thuyền cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu từ kênh Quan Chánh Bố (nếu vào cảng Sóc Trăng và Trung tâm nhiệt điện Long Phú đi vòng qua Cù Lao Dung) với tĩnh không thông thuyền 45m, chiều rộng thông thuyền tối thiểu 300m. Cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86km; vượt qua luồng Trần Đề, đảm bảo khổ thông thuyền tương ứng với sông cấp 1 (cho tàu 2000 tấn).
Vị trí xây dựng cầu Đại Ngãi
Cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2 bao gồm 04 làn xe, mặt cầu rộng 16m. Đường dẫn hai đầu cầu và các cầu trên tuyến, trước mắt đầu tư nền rộng 9m, mặt rộng 7m; tương lai sẽ mở rộng đáp ứng nhu cầu theo từng giai đoạn;Tải trọng thiết kế: Hoạt tải HL-93.
Việc đầu tư xây dựng dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 nối hai tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng là cấp bách và rất cần thiết. Sau khi dự án hoàn thành, tuyến Quốc lộ 60 được nối thông hoàn toàn và tạo thành tuyến trục dọc hành lang phía Đông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rút ngắn cự ly từ TP. HCM đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 70 km; giảm áp lực giao thông ngày càng lớn trên Quốc lộ 1A; đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi các khu kinh tế Định An, Khu công nghiệp Trần Đề, Đại Ngãi, An Nghiệp… đi vào hoạt động; đồng thời làm tăng khả năng đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Nam. Ngoài ra, Dự án còn góp phần làm tăng thêm tác dụng thiết thực của các dự án hạ tầng, công nghiệp, kinh tế quan trọng trong khu vực. Tổng hợp những tác động tích cực các dự án là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu long, các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ, đặc biệt là hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Phương tiện thô sơ và xe gắn máy đều được miễn phí khi qua cầu Châu Đốc
Chiều 12/12, tại Khu đô thị mới TP. Châu Đốc, phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ và tỉnh An Giang đã nhấn nút khởi động Dự án cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức BOT để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2016- 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn nút khởi động Dự án
Với tổng mức đầu tư khoảng 949 tỷ đồng, Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 3,26Km; chiều dài cầu 667m; điểm đầu nối vào Quốc lộ 91 tại Km113+071, phường Vĩnh Mỹ, Châu Đốc và điểm cuối tại khu vực giao với đường tỉnh 953, thị xã Tân Châu. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 21 năm. Thời gian khởi công: Dự kiến Quý III/2016, hoàn thành công trình dự kiến vào Quý II/2018.
Đại diện Ban QLDA 7 cũng cho biết, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc thay thế phà Châu Giang hiện tại là cần thiết, tạo sự liên kết giao thông, từng bước hoàn chỉnh dự án tuyến N1 theo quy hoạch, thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực. Cầu Châu Đốc sau khi hoàn thành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cho thị xã biên giới Tân Châu và thành phố Châu Đốc, từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông phục vụ cho khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương đang được đầu tư phát triển; đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác an ninh quốc phòng bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Các đại biểu dự Lễ khởi động cầu Châu Đốc (An Giang)
Phát biểu tại Lễ Khởi động, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh, hiện nay các cầu lớn trên tuyến Quốc lộ 60 như cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên đã được hoàn thành đưa vào khai thácnên lưu lượng xe trên tuyến tăng cao. Phà Đại Ngãi là vị trí phà cuối cùng trên QL60 và đang là điểm nghẽn về hạ tầng giao thông của khu vực. Các phương tiện qua phà Đại Ngãi phải đi hai lần phà với chi phí 80.000đ/ xe con tiêu chuẩn với thời gian qua phà trung bình là 1,5 đến 2 giờ (bao gồm cả thời gian chờ và lên xuống phà), đối với các xe có tải trọng lớn thì không thể vận chuyển qua phà và trong điều kiện biến động về thời tiết thì toàn bộ hoạt động của phà đều phải dừng lưu thông để đảm bảo an toàn vận hành khai thác. Cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ rút ngắn cự ly từ TP Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 70 Km, rút ngắn thời gian qua cầu chỉ còn khoảng 15 phút; đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết và cho tất cả các loại phương tiện. Bên cạnh đó, đối với các phương tiện thô sơ và xe gắn máy đều được miễn phí khi qua cầu. Với mức phí khởi điểm đề xuất chỉ có 52.000 đ/xe con tiêu chuẩn, chi phí cho các phương tiện ô tô qua cầu vẫn rẻ hơn đi qua 2 phà là 80.000đ/ xe con tiêu chuẩn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật
"Đối với việc đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc thay thế phà Châu Giang là thực sự cần thiết, sẽ tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho khu vực An Giang, Đồng Tháp nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn như hiện nay và nguồn vốn ODA rấthạn hẹp không đủ xây dựng tất cả các cầu trên khu vực đồng bằng Sông Cửu Long thì việc đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc theo hình thức BOT với 100% vốn Nhà đầu tư thu xếp là hình thức đầu tư phù hợp đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng khẳng định việc tổ chức Lễ khởi động ngày hôm nay nhằm để đồng bào dân tộc 2 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung biết được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng; để chính quyền và nhân dân địa phương ủng hộ quá trình thực hiện dự án; để nhân dân và các tổ chức trong vùng có dự án đi qua thực hiện việc giám sát đầu tư cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 04 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng.
Tại Lễ khởi động, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Ban PPP, Ban Quản lý dự án 7 và các đơn vị liên quan đẩy nhanh các thủ tục để triển khai đầu tư và hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng đề nghị Chính quyền và bà con nhân dân tỉnh An Giang, Sóc Trăng ủng hộ, hỗ trợ Bộ GTVT trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.
"Bộ GTVT mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban ngành trung ương; sự giúp đỡ của lãnh đạo 2 tỉnh An Giang, Sóc Trăng, của các cấp chính quyền, đoàn thể và bà con trong vùng dự án; để dự án sớm hoàn thành góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 13 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành TW đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020" Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Phát lệnh khởi động dự án cầu Đại Ngãi và cầu Châu Đốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của Bộ GTVT trong các nỗ lực phát triển hạ tầng GTVT thời gian qua, đặc biệt là việc khởi động các Dự án trên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện dự án xây dựng cầu Đại Ngãi bảo đảm chất lượng, tiến độ và đúng các quy định.
Cùng với đó, chính quyền hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, An Giang cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào trong vùng ảnh hưởng của dự án; chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án.
"Đối với chủ đầu tư, cần tập trung nguồn lực cả về tài chính, máy móc thiết bị để triển khai công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ nhâ dân đi lại trong thời gian sớm nhất" Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
H.L