Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, thông tin về việc TP.HCM chi phí in ấn vé xe buýt chiếm hơn 100 tỷ đồng là chưa đúng. Đây chỉ là một phần chi phí trong các chi phí khác để phục vụ xe buýt.
Cụ thể, ước tính sơ bộ của đơn vị, chi phí cho khoảng 20.000 chuyến xe buýt lưu thông trên đường (cả trợ giá và không trợ giá) gồm quản lý, thống kê, in ấn vé, báo cáo chiếm 50%, tức là khoảng 50 tỷ đồng thì riêng chi phí in vé chiếm khoảng 30 tỷ đồng. Còn lại 50% chi phí cho nhân công phục vụ phát hành trên xe buýt. Những chi phí này cộng lại mỗi năm thành phố chi khoảng 100 tỷ đồng.
“Như vậy, với hình thức quản lý, in ấn, phát hành thủ công như hiện nay nếu thay đổi sang vé điện tử, thành phố sẽ tiết kiệm được vài chục tỷ đồng mỗi năm, đồng thời thuận tiện cho hành khách”, ông Trung nói.
Ông Trung cho rằng, để thay đổi thói quen của hành khách sang thanh toán điện tử, phải làm cho người có thẻ nhận thấy những tiện ích mà thẻ mang lại. Về góc độ quản lý nhà nước, cần có chính sách đưa ra lộ trình bắt buộc sử dụng thanh toán điện tử, kết thúc sử dụng vé giấy. Sắp tới, trung tâm sẽ thuê đơn vị tư vấn xây dựng giá vé linh hoạt, người dân được hưởng lợi nhiều hơn, có thể thanh toán điện tử rẻ hơn vé giấy.
PGS.TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông cho rằng, ở các nước dùng thẻ thanh toán giao thông công cộng từ lâu. Người dân có thể di chuyển giữa các chuyến tàu và xe mà chỉ cần một chiếc thẻ. Ở Việt Nam chi phí quản lý và phát hành in ấn vé giấy khá tốn kém.
Do vậy, thành phố cần chuyển sang sử dụng thẻ thông minh có thể sử dụng cho cả xe buýt, tàu điện ngầm và các loại hình giao thông khác vừa tiện lợi cho người dân và tài xế cũng yên tâm lái xe. Ngoài ra, việc dùng thẻ tự động thay vé in còn có thể tránh làm giả vé, xé vé khống làm thất thoát tiền trợ giá ngân sách của thành phố.