Đắk Lắk: Cần tuyên truyền sâu rộng việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh

Thứ ba, 15/01/2013 08:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện quy định: từ ngày 1/1/2013, ô tô, xe máy phải nộp phí BTĐB. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc triển khai thực hiện quy định này vẫn còn nhiều lúng túng.

Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện quy định: từ ngày 1/1/2013, ô tô, xe máy phải nộp phí BTĐB. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc triển khai thực hiện quy định này vẫn còn nhiều lúng túng.

Theo quy định, các loại xe ô tô sẽ nộp phí BTĐB qua các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới khi kiểm tra định kỳ. Cũng như tất cả các trung tâm đăng kiểm trong cả nước, từ 2/1 Trung tâm Kiểm định xe cơ giới 4702D đã thực hiện thu phí BTĐB theo đúng quy định của Chính phủ như hoàn thiện quá trình thu phí, trả biên lai, dán tem sử dụng đường bộ cho xe ô tô đến nộp phí. Trong mấy ngày đầu thực hiện thu phí, lượng xe đến đăng kiểm tăng đột biến, nhưng hiện tại đã ổn định với khoảng 50 - 60 xe/ngày. Đến hết ngày 10/1, trung tâm đã đăng kiểm và thu phí đối với 577 phương tiện, tổng số tiền thu được hơn 1,2 tỷ đồng. Theo ghi nhận, hầu hết chủ phương tiện đã xác định được trách nhiệm và chấp hành tốt quy định về việc nộp phí. Đặc biệt, một số chủ phương tiện chưa đến thời hạn kiểm định xe nhưng đã đến các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới để nộp phí. Anh Bùi Văn Ngọ, chủ chiếc xe con 4 chỗ ngồi chia sẻ: “Tôi đồng thuận với việc nộp phí BTĐB, bởi đây là cách để chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước nhằm có thêm kinh phí để xây dựng đường giao thông chất lượng hơn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân”. Ông Nguyễn Sỹ Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Bình, đơn vị quản lý Trung tâm Kiểm định xe cơ giới 4702D cho biết: “Bên canh việc thu phí BTĐB trực tiếp bằng tiền mặt, đơn vị đang có kế hoạch phối hợp với ngân hàng để thực hiện việc thu qua thẻ ATM nhằm đem lại thuận lợi cho chủ phương tiện mỗi khi đóng phí”.

Tuy nhiên, một số chủ phương tiện vẫn chưa thật sự “tâm phục” với chủ trương này do chưa hiểu rõ quy định, bởi trên thực tế, những trạm thu phí đường bộ ngoài ngân sách Nhà nước vẫn hoạt động. Tài xế một doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường dài phản ánh: “Chúng tôi chấp hành việc thu phí của Nhà nước qua trạm đăng kiểm để có tiền xây dựng đường sá, cầu cống, nhưng phương tiện vẫn chịu cảnh phí chồng phí vì khi chạy xe qua một trạm thu phí đường bộ vẫn phải mua vé”. Về thắc mắc này, ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Các trạm thu phí trên quốc lộ của các doanh nghiệp xây dựng theo hình thức B.O.T đang trong thời gian khai thác vẫn hoạt động bình thường, bởi vậy phương tiện vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ.

Ngày 17/12/2012, Bộ Tài chính có Công văn 17467/BTC-CST, về việc triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ với xe mô tô, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mức thu, phương án thu phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Theo đó UBND xã, phường, thị trấn sẽ được giao tổ chức thu phí đối với xe máy của tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu như chưa có địa phương nào trên cả nước thực hiện được việc thu phí đối với xe mô tô vì còn gặp lúng túng trong việc đề ra mức thu, phương án thu và tỷ lệ số tiền để lại cho đơn vị thu.

Riêng ở Dak Lak, việc thực hiện thu phí BTĐB với xe mô tô cũng chỉ đang trong giai đoạn…chuẩn bị. Theo ghi nhận, hầu hết người dân đều mới chỉ… “nghe nói thế” còn nhiều cán bộ xã, phường, thị trấn thì chưa được phổ biến quy định này. Điều khó khăn nhất đối với cán bộ cấp cơ sở là việc kiểm kê, rà soát số lượng xe mô tô trên địa bàn để thực hiện thu phí, đặc biệt với những người không có hộ khẩu tại nơi cư trú hoặc sử dụng xe không chính chủ thì việc thực hiện lại càng khó hơn. Ông Nguyễn Vinh Quang, thôn 8, xã Ea Ktur, Cư Kuin cho biết: là cán bộ thôn nhưng ông cũng mới chỉ nghe nói về việc thu phí đối với xe máy chứ chưa có thông tin gì về việc triển khai thu như thế nào. Thiết nghĩ, để chủ trương thu phí với xe mô tô sớm đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận của người dân thì cơ quan chức năng cần đề ra lộ trình phù hợp và tài liệu hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thực hiện hiệu quả.

Liên quan đến các vấn đề trên, ngày 3/1/2013, UBND tỉnh có công văn số 38/UBND-TCTM, trong đó giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng đề cương thực hiện, mức thu để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trước khi đưa vào thực hiện.

Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định: Mức thu cụ thể đối với ô tô (1 tháng), xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân: 130.000 đồng; xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân), xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng tải toàn bộ dưới 4.000 kg: 180.000 đồng; rơ moóc trọng tải 4.000 kg đến dưới 13.000 kg: 230.000 đồng; xe chở người 10 đến dưới 25 chỗ, xe tải, xe ô tô chuyên dùng trọng tải 4.000 kg đến dưới 8.500 kg, xe đầu kéo trọng tải dưới 8.500 kg: 270.000 đồng; rơ moóc trọng tải 13.000 kg đến dưới 19.000 kg: 350.000 đồng; xe chở người từ 25 đến dưới 40 chỗ, xe tải, ô tô chuyên dùng có trọng tải 8.500 kg đến dưới 13.000 kg, xe đầu kéo trọng tải 8.500 kg trở lên: 390.000 đồng; rơ moóc trọng tải 19.000 kg đến dưới 27.000 kg, sơ mi rơ moóc trọng tải dưới 27.000 kg: 430.000 đồng; xe chở người 40 chỗ trở lên, xe tải, ô tô chuyên dùng trọng tải 13.000 kg đến dưới 19.000 kg: 590.000 đồng; rơ moóc, sơ mi rơ moóc trọng tải 27.000 kg trở lên: 620.000 đồng; xe tải, ô tô chuyên dùng trọng tải 19.000 kg đến dưới 27.000 kg: 720.000 đồng; xe tải, ô tô chuyên dùng trọng tải 27.000 kg trở lên: 1.040.000 đồng./.

Theo báo Đắk Lắk

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)