Tổng cục ĐBVN đề nghị các Cục QLĐB; Cục QLĐB cao tốc; các Sở GTVT; Cục Đường sắt Việt Nam; các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án BOT, PPP cập nhật tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ để công bố bổ sung trong 2017 và các năm tiếp theo.
Công khai tải trọng cầu đường (Ảnh minh họa)
Theo đó, đối với hệ thốnG quốc lộ do Tổng cục ĐBVN quản lý yêu cầu các cơ quan quản lý quốc lộ được giao tiến hành rà soát, đối chiếu so sánh tải trọng, khổ giới hạn các cầu, đường đã công bố với tải trọng và khổ giới hạn khai thác an toàn hiện nay. Cập nhật, bổ sung tải trọng cầu, đường trên quốc lộ chưa được công bố tải trọng gồm: Cầu mới hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác; Cầu trên tuyến mới được nâng cấp lên quốc lộ; Cầu chưa được công bố do các nguyên nhân khác.
Cập nhật điều chỉnh lại tải trọng các cầu hiện nay đã thay đổi so với lần công bố trước đây gồm các trường hợp sau: Cầu được nâng cấp, sửa chữa gia cường sau khi công bố; Cầu cắm biển hạn chế tải trọng thấp hơn so với tải trọng đã công bố; Cầu đang hư hỏng, xuống cấp không đủ khả năng khai thác an toàn với tải trọng đã công bố; Cầu có kết quả kiểm định tải trọng thay đổi (tăng hoặc giảm) so với tải trọng đã công bố (bao gồm: kết quả kiểm định tại các dự án XDCB; kiểm định trong kế hoạch bảo trì hàng năm; kiểm định đột xuất khác; kể cả trường hợp kiểm định phục vụ cho việc cấp phép lưu hành nếu có) và các trường hợp cầu có sự thay đổi tải trọng khác (nếu có).
Về tải trọng đường bộ (không bao gồm cầu): Trường hợp có thay đổi về tải trọng trục sử dụng trong tính toán kết cấu áo đường khác với Tiêu chuẩn thiết kế hiện hành (TCVN 4054-2005, 22TCN211-06 và các tiêu chuẩn khác) thì báo cáo Tổng cục ĐBVN để công bố lại nhằm bảo đảm an toàn, độ bền khai thác áo đường. Đối với tuyến, đoạn tuyến đường địa phương mới chuyển thành quốc lộ nhưng chưa được công bố khổ giới hạn trên trang thông tin điện tử của Tổng cục: Cơ quan quản lý đường bộ được giao có trách nhiệm rà soát, nếu có vị trí không bảo đảm khổ giới hạn theo chiều cao ( ≥ 4,75 m) và theo chiều ngang quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT thì báo cáo Tổng cục ĐBVN để công bố hạn chế hạn chế về khổ giới hạn; Đối với các tuyến đường đã công bố khổ giới hạn trên trang thông tin điện tử của Tổng cục nhưng đến nay có vị trí không bảo đảm khổ giới hạn theo Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT thì báo cáo Tổng cục ĐBVN để công bố điều chỉnh, bổ sung về các điểm hạn chế khổ giới hạn.
Các quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT: Nhà đầu tư cập nhật, bổ sung tải trọng cầu và khổ giới hạn đường BOT. Nếu chưa được công bố trên địa chỉ trang thông tin điện tử của Tổng cục hoặc đã công bố nhưng có thay đổi báo cáo Cục QLĐB, Sở GTVT là đại diện Cơ quan NN có thẩm quyền của khu vực trước ngày 02/7/2017. Không có thay đổi vẫn phải có văn bản báo cáo.
Công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ
Các Cục, Sở GTVT nhận ủy thác quốc lộ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các Nhà đầu tư BOT thực hiện việc cập nhật, bổ sung tải trọng, khổ giới hạn đối với Dự án/Công trình BOT chưa công bố khổ giới hạn và tải trọng trên trang thông tin điện tử của Tổng cục ĐBVN, hoặc đã công bố nhưng có sự thay đổi so với tải trọng, khổ giới hạn đã công bố. Trường hợp cần thiết, các Cục, Sở GTVT mời các Nhà đầu tư BOT đến để phổ biến, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT; hướng dẫn tại hiện trường (nếu cần).
Các chủ đầu tư, Ban QLDA của Tổng cục và các Vụ có liên quan thực hiện công tác kiểm định cầu căn cứ kết quả kiểm định, lập báo cáo hoặc chỉ đạo Tư vấn kiểm định lập báo cáo gửi qua Vụ Quản lý bảo trì đường bộ về tải trọng khai thác sau khi đã kiểm định.
Vụ Quản lý bảo trì đường bộ cung cấp thông tin và phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường – Hợp tác quốc tế (Trung tâm CNTT) để công bố bổ sung trên Trang thôn tin điện tử của Tổng cục ĐBVN. Trong quá trình xem xét cấp phép lưu hành xe quá tải, xe quá khổ nếu đã có kết quả kiểm định cầu, đường trong thời hạn không quá 1 năm phục vụ cấp phép các chuyến hàng trước thì không bắt buộc kiểm định bổ sung, trừ các trường hợp: Kể từ sau khi kiểm định công trình phát sinh hư hỏng, xuống cấp, có dấu hiệu không bảo đảm an toàn khai thác với tải trọng chủ hàng đề nghị cấp; Nội dung công tác và kết quả kiểm định trước thiếu dữ liệu cần bổ sung các nội dung kiểm định; Tải trọng và phương tiện chủ hàng đề nghị cấp lớn hơn, bất lợi hơn chuyến hàng đã cấp trước đó.
Đối với đường bộ do địa phương quản lý, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cập nhật lại tải trọng cầu, đường, khổ giới hạn trên hệ thống đường địa phương theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và các điều khoản khác của Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT để công bố theo thẩm quyền quy định; Đối với đường ngang trên mạng lưới đường sắt: Đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức cập nhật tình trạng kỹ thuật đường ngang trên mạng lưới đường sắt theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và các điều khoản khác của Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT để công bố theo thẩm quyền.
Các Cơ quan quản lý đường quốc lộ, các Nhà đầu tư BOT, PPP quản lý khai thác quốc lộ, Các Sở GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam định kỳ thực hiện rà soát, cập nhật bổ sung báo cáo Tổng cục ĐBVN công bố bổ sung trước ngày 05/12 và ngày 05/6 hàng năm để cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục ĐBVN.