Do nguồn kinh phí cấp hàng năm còn hạn chế, công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn nhiều bất cập. Cùng với đó các địa phương không thực hiện hết các công việc của công tác bảo trì đường bộ (BTĐB); sử dụng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) thực hiện các hạng mục sửa chữa định kỳ, khắc phục hậu quả bão lũ… dẫn đến chất lượng các công trình đường bộ ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Do không được sửa chữa định kỳ, chất lượng
đường tránh thị trấn Đông Khê (Thạch An) hiện xuống cấp
Thực trạng các tuyến giao thông
Theo Sở GTVT Cao Bằng, toàn tỉnh có khoảng 5.364km đường, trong đó có 534km quốc lộ; 813,9km đường tỉnh; 145,8km đường đô thị; 1.539km đường huyện; khoảng 2.673km đường xã. Nhìn chung, các tuyến quốc lộ được nhựa hóa, chất lượng đường tốt. Đối với các tuyến đường tỉnh, đa số là láng nhựa, một số tuyến từ lâu không được nâng cấp, hiện đang xuống cấp trầm trọng. Đường huyện phần lớn là giao thông nông thôn A và B, mặt đường hẹp, tỷ lệ bê tông xi măng đạt 4,76%, nhựa hóa đạt 36,9%, cấp phối 36,79%, còn lại là đường đất. Đường xã tỷ lệ bê tông xi măng đạt 12,55%, nhựa hóa đạt 2,58%, cấp phối 52,55%, còn lại là đường đất.
Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được bảo trì bằng 2 nguồn vốn, gồm: Nguồn Quỹ BTĐB Trung ương dùng thực hiện nhiệm vụ bảo trì quốc lộ do Sở được ủy quyền quản lý, trong đó kinh phí thực hiện BDTX 50 triệu đồng/km/năm; kinh phí sửa chữa định kỳ trung bình khoảng 210 triệu đồng/km/năm. Nguồn BTĐB địa phương (gồm nguồn ngân sách tỉnh và nguồn 35% từ Quỹ BTĐB Trung ương cấp) để thực hiện nhiệm vụ bảo trì đường tỉnh và đường huyện với mức chi BDTX 26 triệu đồng/km đường tỉnh/năm; 13 triệu đồng/km đường huyện/năm. Riêng đường xã được giao 30 triệu đồng/xã/năm (từ năm 2017 nâng lên 35 triệu đồng/xã/năm) thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ vật tư và công kỹ thuật xây dựng, duy tu, sửa chữa và làm đường nông thôn xã, liên xã, xóm.
Nguồn 35% từ quỹ BTĐB Trung ương cấp, năm 2016 tỉnh được cấp 22,46 tỷ đồng, năm 2017 trên 36,2 tỷ đồng. Phần kinh phí sửa chữa định kỳ, Sở được cấp khoảng gần 8 tỷ đồng/năm đối các tuyến đường tỉnh do Sở quản lý.
Với 2 nguồn vốn trên, từ năm 2014 đến nay, Sở tổ chức đặt hàng, đấu thầu công tác BDTX đối với 4 tuyến quốc lộ, 9 tuyến đường tỉnh do Sở quản lý. Tổng kinh phí thực hiện quản lý, bảo trì tuyến quốc lộ 554 tỷ 762 triệu đồng, gồm sửa chữa thường xuyên 52 tỷ 695 triệu đồng; sửa chữa định kỳ 502 tỷ 029 triệu đồng và chi 24 tỷ 541 triệu đồng cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ. Đường tỉnh, tổng kinh phí thực hiện quản lý, bảo trì 69 tỷ 371 triệu đồng, gồm sửa chữa thường xuyên 35 tỷ 703 triệu đồng; sửa chữa định kỳ 33 tỷ 668 triệu đồng và chi 15 tỷ 295 triệu đồng cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ.
Thiếu vốn cho công tác bảo trì đường bộ
Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, nhiều tuyến đường, như: ĐT 207 đoạn Quảng Uyên - Hạ Lang, ĐT 202 Km34 - Km49, ĐT 208 đoạn thị trấn Đông Khê (Thạch An) - Phục Hòa, đường tỉnh 204, đường tỉnh 209 qua các xã Quang Trọng - Minh Khai (Thạch An)… hiện xuống cấp nghiêm trọng, trong đó đường tỉnh 209 qua các xã Quang Trọng - Minh Khai (Thạch An) nhiều năm nay, các phương tiện giao thông đi lại khó khăn do sạt lở. Nguyên nhân chính được xác định là do thiếu kinh phí BTĐB hằng năm.
Giám đốc Sở GTVT Hoàng Văn Thạch cho biết: Công tác BTĐB gồm BDTX và sửa chữa công trình đường bộ, nhưng hiện nay việc lập kế hoạch bảo trì của các cơ quan quản lý đường bộ mới chỉ dừng lại đối với công tác BDTX. Còn đối với công tác sửa chữa định kỳ, HĐND tỉnh chỉ xác định đối tượng là đường tỉnh và chỉ được bố trí kinh phí khi cân đối được ngân sách. Mạng lưới đường huyện không có kế hoạch sửa chữa, không được giao dự toán sửa chữa định kỳ. Vì vậy, năm 2014, Sở cho các địa phương trong tỉnh xây dựng mức kinh phí BTĐB. Sau khi xây dựng, kinh phí BTĐB đối với đường tỉnh, huyện, xã tại 13/13 huyện, Thành phố lên đến 246 tỷ đồng. Nhưng do tỉnh không bố trí được kinh phí nên từ năm 2015 đến nay, Sở không yêu cầu các huyện lập kế hoạch dự kiến kinh phí BTĐB.
Ngoài ra, do nguồn kinh phí hạn chế, nhiều địa phương trong tỉnh không thực hiện hết các công việc của công tác BDTX, như: phát quang cây cỏ, khơi thông rãnh dọc, ngang, đắp, bạt lề, sơn cột tiêu, cột km, bổ sung thay thế biển báo… mà dồn kinh phí để sửa chữa một phần mặt đường đảm bảo giao thông, thậm chí còn dồn kinh phí chỉ để sửa chữa những tuyến đường hư hỏng có nguy cơ tắc đường; sử dụng kinh phí BDTX được cấp để thực hiện các hạng mục sửa chữa định kỳ, khắc phục hậu quả bão lũ và để trả nợ khối lượng năm trước.
Ông Hoàng Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Đoàn Khôn (huyện Quảng Uyên) chia sẻ: Do các tuyến đường trên địa bàn xã sau nhiều năm đưa vào khai thác sử dụng đã xuống cấp, vì vậy, thay vì dùng để phát quang cây cỏ, khơi thông rãnh dọc, ngang, đắp, bạt lề… theo quy định, hằng năm địa phương đã sử dụng kinh phí BDTX 30 triệu đồng (từ năm 2017 nâng lên 35 triệu đồng/xã/năm) đầu tư làm mới và sửa chữa, bê tông các tuyến đường ngõ xóm. Sau đó, vận động đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, nông dân ra quân nạo vét kênh mương, sửa đường trục xã khắc phục các hư hỏng, đảm bảo giao thông cho các phương tiện đi lại.
Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh còn chưa phối hợp làm tốt công tác kiểm soát, kiểm soát tải trọng xe lưu hành trên đường. Tình hình lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông ngày càng phức tạp, các công trình vi phạm nằm trong hành lang an toàn đường bộ gia tăng. Việc giải tỏa các công trình xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ hầu như chỉ được thực hiện thông qua việc tuyên truyền giải thích mà chưa có đủ kinh phí đền bù, hỗ trợ. Khi tiến hành công tác giải phóng mặt bằng để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường, do kinh phí còn hạn hẹp nên ở hầu hết các công trình, chủ đầu tư chỉ giải phóng mặt bằng trong phạm vi công trình chiếm dụng vĩnh viễn.
Để quản lý, khai thác và bảo trì tốt công trình đường bộ, thời gian tới tỉnh cân đối bố trí kinh phí sửa chữa định kỳ hằng năm cho các tuyến đường phù hợp với tình trạng hư hỏng và thời gian khai thác. Đồng thời bố trí kinh phí khắc phục hậu quả lũ bão, bố trí cắm lại hệ thống mốc lộ giới, hệ thống cọc giải phóng mặt bằng...