Cùng với việc phân chia 35% nguồn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện ô tô cho các Quỹ bảo trì địa phương sử dụng theo quy định, thì phần còn lại của nguồn Quỹ BTĐB TW trong 5 năm hình thành Quỹ (2013 -2017) đã được dùng để thực hiện bảo trì hệ thống quốc lộ với tổng chiều 19.406 km /22.369 km tổng chiều dài quản lý (có 2.963 km được Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao cho các chủ đầu tư, Ban QLDA để triển khai các dự án hoặc các tuyến BOT do các doanh nghiệp BOT trực tiếp quản lý, đầu tư và vận hành khai thác). Đây chính là hiệu quả thực tế nhất từ khi Quỹ bào trì đường bộ hình thành.
Nguồn vốn bảo trì trước đây chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu bảo trì tối thiểu
Theo báo cáo của Văn phòng Quỹ BTĐB TW, trước khi thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, trong giai đoạn 2010-2012, hàng năm Tổng cục đường bộ Việt Nam được phân bổ trung bình khoảng 2000 tỷ/năm cho toàn bộ công tác bảo trì đường quốc lộ (bao gồm cả bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, công tác bão lũ thiên tai, ATGT và các công tác khác...). So với định mức và quy trình bảo trì đường bộ do Bộ GTVT ban hành thì nguồn vốn đó mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu bảo trì tối thiểu.
Tại các địa phương, ngoại trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác được bố trí vốn cho công tác bảo trì đường bộ cũng rất hạn chế. Trung bình hàng năm các địa phương được bố trí khoảng 10-15 tỷ đồng cho Sở GTVT các địa phương bảo trì các tuyến đường tỉnh lộ, chủ yếu là làm công tác BDTX và sửa chữa đột xuất khi cố hư hỏng xảy ra chứ không đủ kinh phí cho công tác sửa chữa định kỳ theo định mức và quy trình. Đối với các tuyến đường từ cấp tỉnh trở xuống (đường huyện, đường xã…) do UBND các huyện thị tự cân đối trong ngân sách địa phương hằng năm và chủ yếu cũng chỉ dặm vá ổ gà và sửa chữa nhỏ.
Tổng nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ của các địa phương cũng chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu bảo trì tối thiểu. Bên cạnh đó với việc lưu lượng xe tăng cao hơn nhiều so với mức dự báo đã dẫn đến tình trạng cầu, đường bộ xuống cấp, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì không những không thúc đẩy mà còn kìm hãm phát triển kinh tế…
Quỹ bảo trì đường bộ khẳng định được hiệu quả mang lại sau 5 năm hình thành
Dựa trên nhu cầu thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giời, việc hình thành Quỹ Bảo trì đường bộ để có thể huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ cùng với nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước bổ sung hàng năm sẽ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu bảo trì đường bộ và chủ động ứng phó đảm bảo giao thông là hết sức cần thiết, là đòi hỏi khách quan và cũng để bảo đảm sự công bằng trong xã hội.
Qua 05 năm thực hiện mô hình tổ chức của Quỹ BTĐB cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Theo đó, từ khi Quỹ BTĐB TW đi vào hoạt động, ngay từ năm 2013 nguồn chi cho công tác bảo trì đường quốc lộ tăng đáng kể đạt mức: 5.004 tỷ tăng 85% so với năm 2012 (năm 2012 ngân sách cấp 2.700 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, vì hệ thống quốc lộ xuống cấp nhanh do nhiều năm thiếu vốn sửa chữa; đồng thời tốc độ nâng cấp từ đường tỉnh lên quốc lộ nhanh nên nguồn Quỹ BTĐB TW năm 2013 cũng chỉ đáp ứng được 42,1% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ và tiếp theo các năm 2014 đáp ứng được 45,12%, năm 2015 đáp ứng được 47,36%, năm 2016 đáp ứng được 47,8% và năm 2017 đáp ứng được 50,3%. Tuy nhiên, do nguồn thu tập trung và năm sau cao hơn năm trước nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân bổ vốn để các đơn vị thực hiện việc bảo trì đường bộ kịp thời, đảm bảo an toàn giao thông, duy trì tuổi thọ và sự vững bền của công trình đường bộ góp một phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước nói chung.
Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ và các nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB, qua 5 năm hoạt động Quỹ BTĐB TW đã phân chia về các Quỹ BTĐB địa phương trên 10.007 tỷ đồng để hòa chung với nguồn ngân sách của địa phương thực hiện công tác bảo trì hệ thống đường địa phương.
Sửa chữa trên tổng số 279.925km chiều dài
đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và đường xã
Theo báo cáo của các Quỹ địa phương đến nay đã có 912 danh mục công trình được sửa chữa trên tổng số 279.925 km chiều dài đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và đường xã, làm thay đổi bộ mặt đường địa phương đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giúp người dân thêm đồng thuận với chính sách của Chính phủ.
Nhìn lại chặng đường 5 năm hình thành Quỹ BTĐB, nguồn vốn từ Quỹ bố trí cho công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện, đạt kết quả tích cực về giải quyết nguồn vốn hạn hẹp do Ngân sách nhà nước cấp trước đây. Công tác bảo trì đường bộ những năm gần đây đã cơ bản dần đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật, đã tập trung giải quyết các hư hỏng, búc xúc trên toàn bộ hệ thống quốc lộ cả nước, nhìn chung hệ thống đường bộ của nước ta đến nay ngày một hoàn thiện, mặc dù cấp hạng kỹ thuật đường còn chưa cao nhưng có thể khẳng định tình trạng xuống cấp của đường sá được xử lý kịp thời, nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện.
Trong những năm gần đây tình hình thời thiết diễn biến ngày càng phức tạp, những đợt nắng nóng hay mưa bão xảy ra liên tục và kéo dài khu vực miền bắc và miền trung đã gây thiệt hại rất lớn cho các công trình giao thông đường bộ hàng năm. Bên cạnh đó số lượng phương tiện, lưu lượng lưu thông tăng mạnh đồng nghĩa với gánh nặng cho cầu đường sẽ hư hỏng lớn hơn, kinh phí đầu tư đòi hỏi phải cao hơn. Chính vì thế đòi hỏi nguồn vốn Quỹ Bảo trì luôn sẵn sàng, kịp thời ứng phó với mọi diễn biến bất thường xảy ra.
Ngoài công tác bố trí vốn cho sửa chữa định kỳ hàng năm, các nhiệm vụ đột xuất như xử lý điểm đen, khắc phục hậu quả lụt bão luôn được đảm bảo chủ động, kịp thời. Trước yêu cầu đáp ứng về an toàn giao thông được Quốc hội, Chính phủ và các cấp đặc biệt quan tâm, liên tục các năm gần đây tình hình tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí. Kết quả này chính là điểm nổi bật của Quỹ BTĐB trong việc xử lý điểm đen, tăng cường an toàn hệ thống giao thông đường bộ, sửa chữa mặt đường êm thuận đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân.
Hơn thế nữa kết quả này đã tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn cụ thể là nâng cao tốc độ, rút ngắn thời gian hành trình, giảm giá thành vận tải và chi phí đi lại, nâng cao chất lượng và độ tin cậy của hệ thống giao thông đường bộ, cải thiện khả năng lưu thông trong khu vực dân cư và khu vực phát triển, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, các dịch vụ xã hội, tăng khả năng an toàn, giảm bớt ách tắc và tai nạn giao thông tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương và cả nước, đảm bảo và củng cố an ninh quốc phòng giai đoạn hiện nay.
K.A