Quản lý, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ có vai trò quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác duy tu, bảo trì đường bộ đã và đang được ngành Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang chú trọng.
Hạt Quản lý giao thông Na Hang tổ chức dọn dẹp bùn
đất tràn ra đường sau mưa lũ tại xã Sơn Phú (Na Hang)
Hiện nay, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang dài trên 6.067,57km. Trong đó, có 6 tuyến quốc lộ dài 541,32km, 5 tuyến đường tỉnh dài 294,55km, 95 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 946,71km, 159 tuyến đường đô thị dài 247,26km, còn lại là đường giao thông nông thôn không tính đường ngõ xóm dài trên 4.038km.
Để cập nhật, thống kê, đánh giá tình hình hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý và xây dựng kế hoạch bảo trì, Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra các tuyến đường nhằm thu thập các dữ liệu phục vụ công tác quản lý, phát hiện những hư hỏng phát sinh trên tuyến kịp thời đưa ra các phương án xử lý đảm bảo an toàn giao thông.
Năm 2017 là năm thứ 3 tỉnh thực hiện đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ ủy thác theo Đề án “Đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ” của Bộ Giao thông vận tải. Các tuyến đường tỉnh được thực hiện theo hình thức đặt hàng. Sở đã xây dựng đơn giá sản phẩm dịch vụ công ích công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, thực hiện các dự án sửa chữa định kỳ, dự án sửa chữa nhỏ, sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Để hỗ trợ công tác quản lý hệ thống cầu đường, từ năm 2015, sở cũng đã ứng dụng phần mềm quản lý cầu và đang nghiên cứu chuẩn bị triển khai áp dụng phần mềm quản lý bảo trì đường bộ Govone đối với hệ thống quốc lộ ủy thác và hệ thống đường tỉnh. ứng dụng này sẽ giúp sở nắm bắt kịp thời tình trạng cầu đường, khai thác tốt các thông tin quản lý, đồng thời phục vụ xây dựng kế hoạch bảo trì ngắn hạn, dài hạn.
Trong 3 đợt mưa bão lớn gần đây làm sạt lở trên 100.000m3 đất đá ta luy dương nền đường, trên 500 m ta-luy âm nền đường, hư hỏng trên 5.000m2 mặt đường gây tắc đường cục bộ, thiệt hại lên tới trên 15 tỷ đồng. Sở nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông hót dọn tạm thời, đảm bảo thông xe trong thời gian sớm nhất, đồng thời tổng hợp báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh xin chủ trương khắc phục.
Riêng đối với các vị trí sạt lở địa chất không ổn định các đơn vị quản lý cắm biển báo hiệu, rào chắn cảnh báo cho người và phương tiện giao thông. Hiện nay, do mức độ hư hỏng lớn, vượt quá khả năng của nguồn kinh phí hỗ trợ, quản lý, bảo trì đường bộ, sở cũng đề xuất với tỉnh cho chủ trương đầu tư sửa chữa khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra trên một số tuyến đường tỉnh.
Theo Sở Giao thông vận tải, hệ thống quốc lộ ủy thác và đường tỉnh được bảo trì bằng 2 nguồn vốn, gồm nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và nguồn bảo trì đường bộ địa phương. Theo đó, mức kinh phí dành cho bảo trì đối với hệ thống quốc lộ là 50 triệu đồng/km/năm và mức kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo trì hệ thống đường tỉnh là 22 triệu đồng/km/năm.
Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư mới ngày càng hạn hẹp như hiện nay, việc nâng cao chất lượng mạng lưới, đặc biệt là giữ gìn, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, công tác quản lý bảo trì đường bộ luôn được chú trọng nâng cao, các công trình sửa chữa phải đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí bảo trì hàng năm nhằm kéo dài tuổi thọ cho các công trình đường bộ, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.