Nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Ban Quản lý Bảo trì đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn đã triển khai kế hoạch đến các hạt, đơn vị trực thuộc thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường tỉnh trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 23 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 725 km. Trong đó, nhiều tuyến đã xuống cấp, mặt đường bong tróc, lồi lõm. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định chủ yếu là do những năm gần đây, các loại xe ô tô tăng nhanh; lưu lượng, mật độ tham gia giao thông ngày càng lớn. Trong khi đó, hệ thống các tuyến đường tỉnh được đưa vào sử dụng đã lâu và hằng năm còn phải gánh chịu nhiều trận mưa kéo dài nên hư hỏng và xuống cấp nhanh…
Công nhân Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Giao thông Lạng Sơn bảo dưỡng mặt đường tuyến đường tỉnh 232 (Vĩnh Lại – Na Sầm)
Ông Hoàng Đức Thuận, Phó trưởng Ban Quản lý Bảo trì đường bộ cho biết: Trước thực trạng các tuyến đường tỉnh xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà gây ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện, tiềm ẩn tai nạn giao thông, ban đã chỉ đạo các đơn vị, các hạt giao thông, tuần kiểm viên tuần tra phát hiện, kịp thời sửa chữa các hư hỏng phát sinh, nhất là trong mùa mưa lũ, với mục tiêu không để ổ gà xuất hiện trên mặt đường, đảm bảo giao thông thuận lợi, thông suốt. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị bảo trì đường bộ đã duy tu, sửa chữa mặt đường trên các tuyến đường tỉnh được trên 23.780 m2. Bên cạnh đó, việc phát quang tầm nhìn, nạo vét, khơi thông rãnh dọc, cống ngang trên các tuyến đường được kiểm tra, giám sát thực hiện thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị ước tính cho việc duy tu bảo dưỡng các tuyến đường tỉnh khoảng 6 tỷ đồng.
Cùng với đó, các đơn vị sau khi nhận được các kế hoạch chỉ đạo của Ban quản lý đã nhanh chóng triển khai thực hiện để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đơn vị mình quản lý. Ông Lộc Đức Toàn, Trưởng Chi nhánh Hạt Bình Gia – Bắc Sơn cho biết: Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường tỉnh 226 (đoạn Bình Gia – Thất Khê) với chiều dài toàn tuyến hơn 57 km, thời gian qua, đơn vị thường xuyên kiểm tra đường, kịp thời phát hiện, sửa chữa nhiều điểm bị sạt lở, phát quang tầm nhìn, nạo vét mương thoát nước hai bên taluy đường, vá các ổ gà phát sinh trên mặt đường… Trước mùa mưa bão năm nay, đơn vị đã chuẩn bị kỹ các phương án nhằm sửa chữa kịp thời các hư hỏng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, máy móc để kịp thời khắc phục hậu quả mưa bão, đảm bảo giao thông thông suốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc duy tu bảo dưỡng đường tỉnh cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Đơn cử như tuyến đường tỉnh 232 (Vĩnh Lại – Na Sầm) dài 29 km, hiện nay, một số điểm đã xuống cấp, hư hỏng. Mặt đường nhựa bong tróc, lồi lõm, xuất hiện nhiều ổ gà. Các phương tiện đi qua đây gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với xe máy. Những chiếc xe máy phải liên tục uốn lượn qua các “hố” trên mặt đường. Khi trời nắng thì tuyến đường bụi mù, trời mưa thì lập tức trở thành các “ao” sâu như bẫy người đi đường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ông Hoàng Văn Thi, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan cho biết: Tuyến đường tỉnh 232 xuống cấp nên xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”, trở thành những cái bẫy với người tham gia giao thông. Trên tuyến đường này, tai nạn tự ngã, va chạm giao thông đã xảy ra khá nhiều. Là người thường xuyên đi lại trên tuyến đường này, tôi mong muốn các ngành chức năng sớm khắc phục để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua đây”.
Có thể thấy, mặc dù ngành giao thông đã chủ động duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường tỉnh để đảm bảo an toàn giao thông song thời gian tới, công tác này cần được tăng cường hơn nữa. Đặc biệt cùng với duy tu, bảo dưỡng, vào mùa mưa bão, các đơn vị trực thuộc cần bố trí lực lượng thường trực, xử lý mọi tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra do đường xuống cấp…