Sau 5 năm triển khai Đề án Giao thông nông thôn, đến nay Mường Tè đã có 100% đường ô tô đến trung tâm xã và đi lại được thuận lợi các mùa, 88,3% số bản có đường ô tô đến trung tâm bản… Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Con đường từ thị trấn huyện Mường Tè đến bản Nậm Nhọ (xã Vàng San) dài 19km được mở mới theo Đề án Giao thông nông thôn là tuyến đường cuối cùng giúp Mường Tè hoàn thành chỉ tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ấy vậy mà trước năm 2011, huyện Mường Tè có 23 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 187,126km, 42 tuyến đường xã, tổng chiều dài 426,7km trong đó 100% là đường đất. 16 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 12 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa, 109 bản có đường xe máy.
Ông Tống Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè chia sẻ: “Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 21/3/2012 của UBND tỉnh. Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực đến nay đã có 100% xã có đường ô tô đi lại thuận lợi, 88,3% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm. Đó chính là điều kiện nền tảng để huyện nghèo bứt phá vươn lên”.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành –Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Nậm Khao – Tà Tổng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong giai đoạn 2010 - 2015, cùng với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huyện đã chủ động lồng ghép với các nguồn vốn 30a, 135, đề án 3 dân tộc Cống, Mảng, La, Hủ… để đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, liên xã. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con góp công sức lao động thi công các tuyến đường. Nhờ đó, đến hết quý 2/2014, số tuyến đường được cải tạo nâng cấp có tổng chiều dài là 66,99km/51,4km, vượt 30% so với kế hoạch giao, tổng kinh phí thực hiện 304,142 tỷ đồng, quy mô xây dựng giao thông nông thôn loại A mặt láng nhựa.
Song song với đó là đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp đường giao thông liên thôn, bản: trong giai đoạn 2011-2015 thực hiện được 41 tuyến, vượt 16 tuyến (45%) so với kế hoạch với tổng chiều dài 272km/185km. Đến nay 14 xã, thị trấn có đường ô tô, xe máy đi lại thuận lợi 4 mùa. 114/129 thôn, bản có đường ô tô, xe máy đi lại thuận lợi (vượt 8,3% mục tiêu của đề án).
Ông Lý Hà Cà - Phó trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: “Mường Tè còn 15 bản ô tô chưa đi lại được trong 4 mùa. Xong để làm 1 tuyến đường ô tô đến trung tâm bản suất đầu tư trên 1km là rất lớn. Do xa trung tâm, cước vận chuyển vật liệu xây dựng cao, địa chất phức tạp… như để đầu tư 1km đường giao thông nông thôn loại loại A, láng nhựa trên địa bàn huyện trung bình mất đến 4,5 tỷ đồng”. Điển hình như xã Pa Vệ Sử, xã gồm 15 bản nhưng có 5 bản chỉ có đường xe máy đi như các bản Phí Chi B, Phá Củm, Phá Hạ, Sín Chải C là các bản nằm bên kia các con suối, địa hình dốc, có nơi dốc đến 18 độ. Muốn đầu tư đường ô tô đến các bản cần hạ độ dốc để đảm bảo tiêu chuẩn của ngành giao thông, các bản đi qua suối cần có cầu bê tông, như vậy suất đầu từ/km có thể sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, kinh phí để duy tu bảo dưỡng các tuyến đường của cấp huyện còn rất hạn hẹp. Mỗi năm trung bình phải mất 4 triệu đồng/km. Nguồn kinh phí này chủ yếu sử dụng để duy tu, bảo dưỡng các công trình cầu treo dân sinh, phát quang, nạo vét các tuyến dường do huyện quản lý. Các xã chia ra đoạn đường đi qua bản nào thì bản đó quản lý, tổ chức phát quang, khi có sạt lở tổ chức nhân dân hót sụt sạt, khơi thông cống rãnh (đối với đoạn đường bị sạt dưới 10 khối đất).
Cũng theo ông Lý Hà Cà, để chuẩn bị cho giai đoạn tới, tiếp tục mở rộng mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện, Phòng Công thương đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Tống Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện bày tỏ mong muốn: “Tỉnh quan tâm triển khai Đề án giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 và xem xét xây dựng cơ chế quản lý bảo trì các tuyến đường sau đầu tư trên địa bàn huyện. Đối với tuyến đường do cấp huyện quản lý thì phân nguồn vốn bảo trì cho UBND cấp huyện. Để các công trình sau đầu tư phát huy hiệu quả hơn nữa”.