Điện Biên: Thênh thang đường mới

Thứ năm, 15/10/2015 08:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong 5 năm (2011-2015) tỉnh Điện Biên đã huy động được gần 7.700 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với một tỉnh mà hạ tầng, điều kiện giao thông khó khăn bậc nhất cả nước như Điện Biên thì con số 3/116 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn không khiến nhiều người bất ngờ. Toàn tỉnh đã có nhiều con đường bê tông nông thôn kiên cố, đi lại êm thuận bốn mùa trong năm.
Để có được những con đường êm thuận đó, ngoài sự đầu tư tích cực của Nhà nước còn có những đóng góp không nhỏ của người dân địa phương.
 
Trong một lần trở lại quê hương cách mạng Pú Nhung (huyện Tuần Giáo), chúng tôi xuất phát từ thị trấn Tuần Giáo theo quốc lộ 6, đến địa phận bản Trá, xã Quài Nưa có lối rẽ vào trung tâm xã Pú Nhung. Trái với suy nghĩ ban đầu về một con đường phụ dẫn vào xã sẽ khó khăn hơn đường chính (thông thường, để vào Pú Nhung từ thị trấn Tuần Giáo, đường chính đi từ ngã 3 Minh Thắng, xã Quài Nưa theo con đường trải nhựa đã xuống cấp), qua vài trăm mét đường đất chưa làm, khi con đường trải bê tông phẳng lỳ mở ra trước mắt khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên xen lẫn thú vị. Tuyến đường bê tông uốn lượn nối bản Trá (xã Quài Nưa) với bản Đề Chia A (xã Pú Nhung) 2 bên đường là những ruộng lúa vàng xuộm chờ ngày thu hoạch, nương ngô, nương sắn xanh mướt... khiến người qua đường muốn hít sâu vào lồng ngực bầu không khí trong lành xen lẫn mùi thơm ngọt của lúa chín, một cảm giác thật yên bình, thơ mộng.
 
Ông Vừ Sái Sùng, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung chia sẻ: Tuyến đường bê tông nối 2 xã Quài Nưa – Pú Nhung dài hơn 3km được xây dựng từ đầu năm 2014 bằng nguồn vốn lồng ghép do Ban Quản lý dự án huyện Tuần Giáo làm chủ đầu tư. Người dân Pú Nhung đóng góp đất nương, hành lang và tích cực ủng hộ đơn vị thi công giải phóng mặt bằng. Con đường mới như nối dài thêm niềm vui cho chính quyền và người dân, rút ngắn khoảng cách giữa làng quê và phố thị, tạo thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân được cải thiện, thôn bản đổi thay nhiều mặt. Những khối bê tông cuối cùng của đoạn đường dài 3km được trải xuống kết nối với phần đã làm từ trước, tạo nên một trục đường thôn hoàn chỉnh, khang trang, sạch sẽ, bề mặt rộng 5m, đồng bộ với cả hành lang, rãnh thoát nước. Dấu vết của con đường cũ mưa lầy nắng bụi ngày nào, rồi đây sẽ chỉ còn là kỷ niệm của người dân quê hương Cách mạng.
 
Đường bê tông qua cánh đồng Na Tông, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng)
hoàn thành đầu năm 2015, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất, thông thương.
 
Tương tự như xã Pú Nhung, đường giao thông nội đồng của cánh đồng Na Tông dài 1,3km (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vừa hoàn thành tháng 2/2015. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân góp thêm tiền, hiến đất và ngày công lao động để hoàn thành công trình. Vì tuyến đường đi qua 5 bản: Na Luông, Na Hán, Co Sáng, bản Củ, bản Cang và phần lớn diện tích lúa ở cánh đồng Na Tông đều thuộc các bản này nên ban đầu chính quyền xã dự định chỉ người dân 5 bản trên mới phải đóng tiền. Tuy nhiên, nhận thấy khi con đường hoàn thành sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, do đó xã quyết định vận động toàn bộ người dân trong xã đóng góp. Chủ trương đó nhận được sự đồng thuận của nhà dân. Theo đó mỗi khẩu đóng góp 60.000 đồng, cán bộ công chức xã đóng góp 1 ngày lương. Trong quá trình làm đường, vướng vào ruộng hộ nào thì hộ đấy tình nguyện hiến mặt bằng.
 
Anh Lò Văn Hà, bản Co Sáng chia sẻ: Toàn bộ diện tích gần 1.200m2 ruộng của gia đình tôi đều thuộc cánh đồng Na Tông, trong đó có 2 mảnh ruộng thuộc diện phải hiến đất. Tổng diện tích đất ruộng gia đình tôi hiến để làm đường là 120m2. Mới đầu khi nghe cán bộ xã phổ biến chủ trương góp tiền làm đường tôi rất tán thành nhưng việc hiến đất ruộng thì tôi hơi phân vân. Bởi vì, gia đình tôi có ít ruộng mà phải hiến thì sợ thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh vận chuyển phân bón vất vả trên con đường trơn trượt, nên tôi đã đồng ý hiến đất làm đường. Giờ đây, đường đã hoàn thành, mặt đường rộng 3m, lề đường rộng 0,5m, bà con đi lại rất thuận tiện, trẻ em đến trường an toàn. Hay ông Tòng Văn Tọt, bản Na Luông, gia đình có 4 nhân khẩu nhưng phải đóng góp 600.000 đồng, bởi vì nhà có một người là cán bộ xã nên phải đóng 2 suất và hiến thêm 300m2 đất ruộng để phục vụ làm đường. Ông Tọt bảo: Có đường mới sạch đẹp, kiên cố đi là vui rồi nên dù có phải đóng góp tiền, hiến đất ruộng và góp ngày công lao động, chúng tôi cũng sẵn sàng. Tôi nghĩ rằng, con đường được hoàn thành là kết quả của tinh thần đoàn kết, sẵn sàng từ bỏ lợi ích cá nhân để phục vụ mục tiêu chung của nhân dân trong xã.
 
Nói đến làm đường nông thôn mới, không thể không nhắc đến các xã quanh vùng lòng chảo thuộc huyện Điện Biên, nhất là Thanh Xương – địa phương đi đầu trong làm đường nông thôn mới theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở những mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ xã đã quán triệt nội dung, phương pháp thực hiện tới từng thôn, bản. Cách làm của xã là chọn điểm làm trước để nhân rộng, đảng viên là người nói trước làm trước để quần chúng làm theo. Khi nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới là làm cho dân được hưởng lợi, đã thu hút sự ủng hộ, tạo sự đồng thuận cao và người dân là chủ thể thực hiện Chương trình. Như công trình xây dựng đường liên thôn ở C9a, b, c. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các chi bộ, Ban phát triển thôn, bản đã huy động nguồn vốn đóng góp từ nhân dân được trên 30% kinh phí, công sức xây dựng 2,5km đường liên thôn, mặt đường rộng 3m. Nhiều hộ gia đình góp hàng chục ngày công lao động vượt rất nhiều so với mức của thôn quy định. Bởi họ mong mỏi con đường mới sớm hoàn thành phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.
 
Đường mới được làm, nhà mới mọc lên... đó là những viễn cảnh mà bất cứ bản làng nào cũng đều mong muốn. Một không gian nông thôn mới, nếp sống nông thôn mới, từ đó phát triển sản xuất nông - công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, sẽ nối gần nông thôn với thị thành, để nông thôn Điện Biên tự tin trên chặng đường hội nhập... 
 

toanld

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)