Đã từ lâu, Nặm Tốc được biết đến là thôn vùng sâu khó khăn nhất của xã Đôn Phong (Bạch Thông), tỉnh Bắc Kạn. Dân cư thưa thớt, đường từ trung tâm xã vào thôn chủ yếu men theo khe suối khiến cho cuộc sống của hơn 40 hộ dân tộc Dao đỏ ở đây gần như tách biệt hẳn với bên ngoài. Thế nhưng, ước mơ bao đời nay của người dân đang trở thành hiện thực khi tuyến đường dài hơn 8km nối từ thôn Nà Pán đến Nặm Tốc đang được mở mới…
Niềm vui ngày mở đường
Nặm Tốc là một thôn vùng cao của xã Đôn Phong, giáp với huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. Đây là nơi sinh sống của hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ di cư từ các huyện: Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thông Nông thuộc tỉnh Cao Bằng về vùng đất này từ những năm 1994. Giữa trưa, chúng tôi đến thôn Nặm Tốc sau hơn 1 tiếng đồng hồ vượt qua đoạn đường bùn đất, sình lầy, lội suối khá vất vả. Ấy vậy mà từ trước đến giờ người dân ở Nặm Tốc vẫn phải đi lại trên con đường ấy để đến được trung tâm xã, năm ngày mới đi ra chợ một lần.
Công nhân đang lắp đặt cống thoát nước ngầm tại công trình đường Nặm Tốc
Trong ký ức của những người cán bộ xã phụ trách thôn Nặm Tốc vẫn còn nhớ như in những lần lên thôn họp dân. Bình thường thì đỡ, nhưng không may mà gặp cơn mưa rừng dai dẳng hàng giờ đồng hồ vậy là nước lũ đổ về, đường trơn, nước suối dâng cao không qua được là phải ngủ lại bản, hoặc là leo núi vượt sang xã Rã Bản của huyện Chợ Đồn để về.
Anh Triệu Văn Pu năm nay mới 34 tuổi, nhưng đã có hơn chục năm làm trưởng thôn, tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ nhỏ nằm trên sườn núi anh cho biết: Bà con thôn Nặm Tốc sinh sống trên núi cao được hơn hai chục năm nay, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như gieo cấy lúa, ngô, chăn nuôi gia súc. Bao năm nay không có đường, chủ yếu đi men theo khe suối vào bản, mùa mưa lũ coi như biệt lập hoàn toàn với bên ngoài. Cũng chính vì vậy mà sản phẩm nông, lâm nghiệp làm ra phần lớn chỉ để phục vụ cho sinh hoạt của gia đình, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Nhưng giờ đây bà con trong bản rất vui mừng khi đường vào thôn đang được mở mới.
Cùng có mặt tại nhà anh Triệu Văn Pu, ông Lý Văn Khé là công an viên cũng góp chuyện: “Lâu nay cuộc sống của mấy chục hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Nặm Tốc rất vất vả, muốn đi ra đến trung tâm xã toàn phải trèo núi, vượt khe suối. Vì thế, việc tuyến đường vào thôn đang được mở mới khiến bà con phấn khởi lắm, ai ai cũng mong con đường sớm hoàn thành để giúp cho việc đi lại dễ dàng, đặc biệt là các cháu nhỏ có thêm điều kiện học tập lên cấp 2 tại trường chính ở trung tâm xã".
Kế bên nhà trưởng thôn là nhà ông Hoàng Văn Páo, hộ có trâu, bò và ngô nhiều nhất thôn. Vừa đi lùa đàn trâu ra suối về ông Páo cũng hào hứng chia sẻ niềm vui với chúng tôi: Mấy năm nay ngô trồng được nhiều nhưng chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhiều khi muốn mang đi bán lấy tiền nhưng đường đi lại không thuận tiện nên cũng khó. Giờ sắp có đường rồi bà con vui mừng, sản phẩm nông nghiệp làm ra có thể mang ra chợ bán, có thêm thu nhập.
Người dân Nặm Tốc đã phải chịu cảnh không có đường từ hơn hai mươi năm nay, giờ đường mới đang được xây dựng, không ai bảo ai nhưng trong ánh mắt của mỗi người từ già đến trẻ ở đây đều ánh lên niềm vui khó tả. Bởi trong thâm tâm họ đều hiểu rằng khi tuyến đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần mang lại ấm no và mang đi những khó khăn, lạc hậu mà người dân phải gánh chịu từ trước đến nay.
Được biết, năm nay xã Đôn Phong đã triển khai đưa cây quýt ghép vào trồng tại Nặm Tốc. Đồng thời, vận động người dân phát huy lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, tận dụng bãi đất trống để trồng sắn cao sản và các cây màu khác có giá trị. Vì vậy, việc tuyến đường này được mở mới đồng nghĩa với sản phẩm nông nghiệp làm ra sẽ tiêu thụ thuận lợi hơn, giúp nông dân có thêm thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Xẻ núi mở đường
Niềm vui lớn đang đến với người dân Nặm Tốc khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư mở mới đường giao thông, biến ước mơ bao lâu nay của người dân trở thành hiện thực. Tuyến đường dài hơn 8km được đầu tư với tổng nguồn vốn 29 tỷ đồng, trong đó Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ 20 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh được khởi công xây dựng từ cuối tháng 4 năm nay.
Có mặt tại công trường thi công đường vào thôn Nặm Tốc, chúng tôi chứng kiến cảnh công nhân đang thực hiện các công đoạn đào đá, trộn bê tông, lắp đặt cống thoát nước ngầm... ai ai cũng tập trung làm việc hết mình mong hoàn thành đúng tiến độ. Được biết, nơi đây vốn toàn đồi núi, khi khởi công đơn vị thi công đã khảo sát, cho xe tải trọng chở máy xúc vào san gạt, nổ mìn phá đá mở đường mới.
Anh Đỗ Đức Mạnh là cán bộ của Công ty TNHH Minh Hoàng (Hưng Yên) hiện là chỉ huy công trường cho biết: Hiện nay chúng tôi có 40 công nhân làm việc tại công trường. Để hoàn thành tiến độ đoạn đường dài 8km này, công nhân của đơn vị phải đổ bao công sức phá đá bạt đồi. Đến thời điểm này công trình đã hoàn thành được 70% khối lượng, tuyến đường này sẽ được giải cấp phối thuộc loại đường nông thôn B. Hiện nay ban chỉ huy công trường vẫn tiếp tục sâu sát công việc thi công để bảo đảm công trình hoàn thành vào dịp Tết Nguyên đán.
Sau một thời gian thi công, con đường mới vào Nặm Tốc đang được hình thành.
Quyết tâm là vậy, nhưng khi thực hiện dự án đơn vị thi công vẫn gặp hàng loạt khó khăn. Khu vực thi công rừng núi hiểm trở, độ dốc cao, giao thông đi lại không thuận tiện nên khó khăn trong quá trình vận chuyển máy móc, vật liệu, phương tiện vật chất phục vụ công trình. Mặt khác, do đặc thù miền núi thời tiết mưa nắng thất thường, có khi đang nắng nhưng chỉ chốc lát lại đổ mưa xối xả khiến cho việc thi công bị gián đoạn, chậm tiến độ. Trong khi đó công trình thi công lại cách xa khu dân cư, khu trung tâm nên việc mua lương thực, đồ dùng sinh hoạt phục vụ công nhân cũng chẳng dễ dàng chút nào, nước sinh hoạt hàng ngày chủ yếu là nước ở khe suối được anh em công nhân lấy về chứa trong những can nhựa.
Dọc hai bên đường là những lán trại của công nhân thi công đường được chia theo từng tổ theo từng hạng mục của công trình. Anh em vẫn ngày ngày bám trụ tại đây để tập trung làm việc ngày từ 8 đến 12 tiếng, tuy vất vả nhưng ai cũng nỗ lực làm việc góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công. Đang nhanh tay trộn vữa để xây kè đá, anh Bằng là công nhân tại công trường chia sẻ, anh vốn là người ở huyện Chợ Mới, khi công trình khởi công anh được nhận vào làm, được nuôi ăn và trả lương theo khối lượng sản phẩm. Mặc dù sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn xong anh vẫn cố gắng cùng với anh em công nhân khác hoàn thành tốt công việc đảm nhận.
Đồng chí Trịnh Xuân Thành- Chủ tịch UBND xã Đôn Phong cho biết: Tuyến đường vào thôn Nặm Tốc được khởi công xây dựng có nghĩa ý đặc biệt quan trọng đối với địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Khi tuyến đường này hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng đồng nghĩa với việc cả 10/10 thôn bản của xã có đường giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và vận chuyển nông, lâm sản dễ dàng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay công việc đào rãnh, lắp đặt cống... vẫn đang được khẩn trương thi công. Vào Nặm Tốc giờ đã có thể đi xe máy vào gần tới bản. Con đường mới đang dần hoàn thành hứa hẹn sẽ mang đến những đối thay tích cực, tươi sáng và tràn đầy hy vọng cho bà con ở thôn vùng cao còn nhiều khó khăn này.../.