Từ khi triển khai Đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn (tháng 5/2013) đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã thực hiện được hơn 960km đường giao thông nông thôn, đạt 75% kế hoạch đề ra, có 44 xã đạt tiêu chí giao thông. Hiện ở các vùng quê, những con đường nông thôn mới được bê tông phẳng phiu, những nơi trước đây là bờ ruộng lầy lội, nay cũng đã được cứng hóa.
Đường bê tông nông thôn ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa)
Diện mạo mới
Con đường bê tông trải từ cầu Ba Thu đến chùa Thanh Hương ở thôn Mỹ Thạnh Đông 2, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) uốn lượn có đoạn đi ngang qua xóm nhà, có đoạn xuyên qua cánh đồng như dải lụa mềm ai cũng trầm trồ khen. Ông Nguyễn Văn Thu ở thôn Mỹ Thạnh Đông 2, cho biết: Đây là con đường liên xóm, trước đây vào mùa mưa, có nơi mặt đường bị nước ngập đến nửa mét, trẻ em đi học phải xắn quần, xách dép lội sình.
Len lỏi qua các thôn xóm của xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), xe máy chạy trên những con đường bê tông ôm cua vòng qua ruộng lúa, ghé vào cửa ngõ từng ngôi nhà một cách dễ dàng. Dù chưa cán đích nông thôn mới nhưng bộ mặt nông thôn như được “thay áo mới”. Theo UBND xã Hòa Đồng, hiện xã hoàn thành gần 35km đường liên thôn xóm. Ngoài ra, xã đã cứng hóa hơn chục km đường giao thông nội đồng.
Ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: Thời gian qua, việc hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn đã tạo thành phong trào xây dựng nông thôn mới, được đông đảo người dân ở huyện Tây Hòa tích cực hưởng ứng. Hiện bình quân mỗi xã, thị trấn trên địa bàn có 26km được bê tông hóa. Đường giao thông nông thôn làm thay đổi diện mạo làng xã.
Đi trên trục đường liên thôn Hiệp Đồng đi Phước Lương của xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), chúng tôi được biết gần 1km đường do 20 hộ người dân trong thôn tự nguyện hiến đất. Hộ hiến ít nhất 6m2, nhiều nhất lên đến 40m2. Đây là việc làm có ý nghĩa khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) đã huy động được sức dân xây dựng 6 tuyến đường dài gần 2,6km, kinh phí đầu tư 2,1 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 30% vốn. Những con đường đất quanh co, lầy lội giờ đã được thảm bê tông, tạo diện mạo mới cho bộ mặt làng quê... Theo ông Nguyễn Thanh Thép, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Bắc, thực hiện Đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn, địa phương phát huy nội lực cộng đồng, làm tốt công tác tuyên truyền nên thời gian qua, phong trào nhân dân hiến đất và tài sản trên đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đang phát triển rộng khắp.
Đường đến đâu, điện sáng đến đó
Con đường xóm Xương Rồng thuộc thôn Long Phước, xã miền núi Xuân Lâm (TX Sông Cầu) dài 750m được bê tông xi măng rộng 3,5m, dày 0,2m. Người trong xóm gọi là “đường nông thôn mới”, vì có phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân góp công sức làm nên con đường này. Sau đường giao thông nông thôn là điện “Thắp sáng làng quê” chạy dài suốt tuyến. Ông Bùi Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, cho hay: Ở xóm Xương Rồng, đường và điện tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vùng vận chuyển nông sản, nhất là vào mùa mưa lũ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.
Con đường trải bê tông nối liền từ sân kho 1 đi xóm Mới thuộc thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cũng do người dân hiến đất và góp công sức làm nên. Khu vực này có 60 ngôi nhà nằm rải rác hai bên con đường bê tông, trong số đó có nhiều gia đình hà̀ng ngày dò dẫm đi trên bờ ruộng rồi men theo đường đất nhỏ hẹp qua khỏi cánh đồng đến đường liên xã. Con đường bê tông xi măng phẳng phiu xuyên qua cánh đồng, điện cũng đã thắp sáng trên đường quê. Ông Đặng Văn Trí (64 tuổi) ở thôn Mỹ Hòa, cho hay: “Nhà tôi đi vòng qua hai bờ ruộng mới đến con đường, khi đường đổ bê tông, tôi cũng đổ bê tông nối từ ngõ ra đường chính. Khi điện thắp sáng, ban đêm, vào mùa lúa chín nhìn từ xa đẹp như bức tranh”.
Đi trên con đường bê tông qua các thôn Long Phụng, Phước Khánh thuộc xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), nhiều người ngỡ ngàng vì đường đến đâu điện cũng đến đó. Có con đường vòng qua xóm nhà, uốn cong qua cánh đồng lúa tạo thành “những dải lụa mềm”, ai qua lại cũng trầm trồ. Ông Lê Ngọc Tính, quyền Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Qua 3 năm thực hiện đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn, các địa phương trong huyện đã đăng ký thực hiện bê tông hóa 1.229 tuyến đường, tổng chiều dài 217km. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn lại địa phương huy động doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ, nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất đã thực hiện bê tông hóa 812 tuyến, với tổng chiều dài 145km. Dự án này đã đi vào lòng dân vì chính họ là người hưởng lợi. Bên cạnh đó, huyện cũng có chủ trương, đường bê tông trước, điện thắp sáng sau vì vậy đã làm bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đường làng ngõ xóm thông thoáng, nhà cửa khang trang hơn.