Những năm gần đây, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) tập trung tối đa nguồn lực phát triển giao thông nông thôn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xoá đói, giảm nghèo. Vì vậy, mạng lưới giao thông nông thôn của huyện đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Dân Hoà là xã về đích NTM năm 2017. Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, trong những năm qua, xã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.
M Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã và đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT. Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, được cứng hóa đạt 84,51%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện, tỷ lệ đạt 52,92%. Theo thống kê, từ năm 2011-2017, xã huy động nguồn vốn trên 52 tỷ đồng thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông. Trong đó, nguồn từ chương trình xây dựng nông thôn mới 43,8 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương trên 7 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 12 tỷ đồng; huy động từ nhân dân bằng tiền mặt, ngày công lao động và hiến đất trị giá trên 4,2 tỷ đồng.
Hệ thống đường giao thông nông thôn của huyện Kỳ Sơn được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao lưu hàng hoá của nhân dân trong vùng.
Thời gian qua, huyện Kỳ Sơn đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với mục tiêu bê tông hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các xã, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Từ đó nhiều địa phương đã thực hiện tốt phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.
Huyện Kỳ Sơn hiện có 244,45 km. Trong đó: đường bê tông nhựa 12 km, đường nhựa 68,9 km, đường bê tông xi măng 86,1 km, đường cấp phối 69,14 km, đường đất 8,31 km. Huyện có 4 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông là Hợp Thịnh, Mông Hóa, Hợp Thành, Dân Hòa. 3 xã Phúc Tiến, Dân Hạ, Phú Minh đạt 3 chỉ tiêu của tiêu chí số 2 và 2 xã đạt 2 chỉ tiêu của tiêu chí số 2 là Độc Lập, Yên Quang.
Hàng năm, huyện dành kinh phí trên 3 tỷ đồng phát triển giao thông nông thôn. Đối với các vị trí cầu, ngầm, trong những năm qua, huyện Kỳ Sơn từng bước đầu tư nâng cấp nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, về cơ bản đều đảm bảo kỹ thuật và độ an toàn. Đồng thời huyện phát động triển khai thực hiện chiến dịch "Toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn”. Theo đó, các xã huy động ngày công nhân dân cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, phát quang bụi dậm, khơi thông cống, rãnh, đắp đất bù vênh làm đường GTNT; duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến đường huyện, đường xã, xóm.
Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn là khát khao, nguyện vọng của người dân. Cho nên khi có chủ trương, chính sách làm đường là nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công để hoàn thành những con đường đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất. Vì thế đến nay, huyện có được hệ thống giao thông nông thôn tương đối hoàn chỉnh, thông suốt. Người dân không còn sống trong cảnh giao thông lầy lội, khó khăn.
Giao thông nông thôn được nối liền sẽ tạo nhiều việc làm mới, giải quyết được vấn đề lao động nhàn rỗi ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.