Mặc dù bản thân đang mang thai 6 tháng nhưng chị vẫn chạy nhanh về phía cháu bé, quay đèn tín hiệu sang mặt đỏ để báo hiệu cho tàu dừng đồng thời hét lên để tìm người giúp đỡ. Khi tiếp cận được cháu bé chị Nhàn chỉ kịp bế xốc cháu lao nhanh ra khỏi đường sắt đúng lúc đoàn tàu lao tới. Cả hai cô cháu thoát chết trong gang tấc.
Chị Nguyễn Thị Nhàn sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Bình, nơi mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong một gia đình bố là bộ đội xuất ngũ, mẹ là công nhân ngành đường sắt. Sau khi học xong chương trình phổ thông, vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô Nhàn không tiếp tục học lên nữa mà làm đơn xin vào làm công nhân gác chắn đường ngang, thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên.
Ngay những ngày đầu nhận nhiệm vụ, bản thân chị Nhàn đã nhận thức được công tác đảm bảo ATGT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Việc đảm bảo an toàn tại các đường ngang là một trong những mục tiêu quan trọng của toàn ngành Đường sắt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Bản thân chị luôn xác định công việc gác chắn là cần phải có tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác cao, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn chạy tàu và an toàn lao động tuyệt đối.
Tháng 6/2005, sau khi học xong lớp nghiệp vụ gác chắn đường ngang do Công ty mở, chị được phân công về gác chắn tại đường ngang Dạ Lê Km 695+390, đây là tổ chắn do phụ nữ đảm nhận thuộc Cung đường Hương Thủy - Đội Quản lý đường sắt 4. Đường ngang này có mật độ người và phương tiện qua lại rất nhiều nhất là xe cơ giới tải trọng lớn, mức độ đe dọa đến an toàn là rất lớn; mặc dù mới vào nghề còn nhiều bỡ ngỡ nhưng nhờ đường ngang này có 2 định viên lên ban cùng lúc, vì vậy chị đã được các chị em cùng tổ làm việc lâu năm tận tình chỉ bảo nên nhanh chóng bắt nhịp với công việc.
Sau khi lập gia đình và mang thai, để tạo điều kiện thuận lợi cho chị trong sinh hoạt, đi lại làm việc được gần nơi ở, tháng 9/2011 Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên chuyển chị Nhàn về Cung Chắn Huế trực tiếp gác chắn tại đường ngang Km 687+915 (thường gọi chắn Bắc Ga Huế). Đây là đường ngang nằm trong thành phố, mật độ người và phương tiện qua lại nhiều, là một trong những đường ngang có tầm nhìn hạn chế về các hướng, nhà dân ở dọc hành lang bảo vệ ATGT đường sắt cho nên rất khó quan sát tàu đến.
Đêm 20/10/2011, đúng dịp Kỷ niệm 81 năm ngày Thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chị Nhàn lên ban gác chắn, cũng như thường lệ sau khi làm các thủ tục giao nhận ban và đón đưa các đoàn tàu qua lại theo kế hoạch. Vào lúc 19giờ 35 phút, khi đã đóng kín 2 dàn chắn và cầm đèn tín hiệu để đón đoàn tàu khách ĐH 41 chạy qua chắn. Bất ngờ, qua ánh đèn pha của đầu máy đoàn tàu, chị Nhàn phát hiện có 1 cháu nhỏ đứng một mình trên đường sắt và đang chập chững băng qua đường ray trong lúc đoàn tàu đang lao tới. Mặc dù bản thân đang mang thai 6 tháng nhưng chị vẫn chạy nhanh về phía cháu bé, quay đèn tín hiệu sang mặt đỏ để báo hiệu cho tàu dừng đồng thời hét lên để tìm người giúp đỡ. Khi tiếp cận được cháu bé chị Nhàn chỉ kịp bế xốc cháu lao nhanh ra khỏi đường sắt đúng lúc đoàn tàu lao tới. Cả hai cô cháu thoát chết trong gang tấc. Cháu bé được cứu sống là bé gái tên Nguyễn Ngọc Phương Thảo sinh ngày 13/11/2009 (23 tháng tuổi) con của chị Đặng Thị Oanh và anh Nguyễn Dương Hoà. Gia đình cháu ở ngay phía bắc Ga Huế, sát đường tàu nên mới xảy ra sự cố nguy hiểm trên.
Xúc động trước tinh thần xả thân cứu người của chị Nguyễn Thị Nhàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã gửi thư khen gợi hành động dũng cảm của nữ nhân viên đường sắt. Trong thư, Bộ trưởng Đinh La Thăng viết: “Tôi rất vui mừng và cảm động khi biết ngày 20/10, trong khi làm nhiệm vụ tại gác chắn phía Bắc ga Huế, mặc dù đang mang thai đứa con đầu lòng 6 tháng nhưng chị đã không quản nguy hiểm lao tới cứu cháu bé đang chân trong chân ngoài đường ray thoát chết trong gang tấc khi đoàn tàu đang lao tới. Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, chúng tôi đánh giá cao và trân trọng hành động dũng cảm, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của chị”.
Trước đó, trong vai trò một nữ công nhân gác chắn, chị Nhàn đã được Đoàn thanh niên Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên tặng giấy khen khi hoàn thanh tốt nhiệm vụ được giao. Trong năm 2011, với hành động xả thân cứu người, chị đã vinh dự nhận Bằng khen của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công đoàn Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Năm 2012, chị được Chương trình TOTAL tặng Danh hiệu Hiệp sỹ giao thông và là điển hình xuất sắc của đơn vị./.
Kim Cúc