Ngành GTVT Tuyên Quang phát huy truyền thống: “Đi trước mở đường”

Thứ tư, 29/08/2018 08:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là cột mốc đánh dấu sự ra đời của ngành Giao thông vận tải cả nước. 73 năm song hành cùng lịch sử dân tộc, ngành Giao thông vận tải nói chung, trong đó có Giao thông vận tải Tuyên Quang đã, đang làm tròn sứ mệnh “Đi trước mở đường”.

Một đoạn Quốc lộ 2C qua xã Phú Thịnh (Yên Sơn)

suốt chặng đường ấy, ngành Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang đã kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thành tích của ngành gắn liền với thành tích, truyền thống của tỉnh qua các thời kỳ cách mạng. Để giữ vững “huyết mạch” giao thông, hình ảnh những cán bộ, công nhân ngành Giao thông vận tải đã cùng với bộ đội, dân công hỏa tuyến và nhân dân đã bảo vệ, sửa chữa, mở mới các tuyến đường trọng điểm, góp phần quan trọng cùng quân và dân trong tỉnh làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ quê hương, phục vụ sản xuất và chiến đấu, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Bác Hồ, các cơ quan Trung ương trong thời kỳ kháng chiến. 

Trong thời kỳ đổi mới, ngành Giao thông tiếp tục đạt được nhiều thành tựu vẻ vang, thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, những năm qua ngành đã tích cực thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống giao thông nhằm đáp ứng nhanh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Hàng loạt công trình được khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng đã kết nối các vùng kinh tế, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị nông thôn, đồng bằng và miền núi.

Giai đoạn 2015 - 2020, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế vững chắc và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ngành tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị: Quy hoạch, xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông tỉnh.

Ngành chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống đường giao thông đến các khu, điểm du lịch. Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải chuyển một số tuyến đường tỉnh thành quốc lộ với chiều dài 96,65 km, trong đó quốc lộ 3B dài 38,65 km; quốc lộ 2D dài 22 km và quốc lộ 280 dài 36 km góp phần thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đến khu du lịch trên địa bàn tỉnh. 

Ngành đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện và giao thông nông thôn với chiều dài 695,1 km tổng kinh phí 2.938,04 tỷ đồng. Cùng với đó, toàn tỉnh bê tông hóa đường giao thông nội đồng theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được 229,8 km/414,18 km, kinh phí 115,76 tỷ đồng, đạt 55,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020; sửa chữa, cải tạo 129,7 km đường giao thông nông thôn với kinh phí là 163,5 tỷ đồng; xây dựng 18 cầu dân sinh với kinh phí 30,98 tỷ đồng.

Để thực hiện tiêu chí số 2 (Giao thông) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong các năm 2016, 2017, 2018 Sở Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thực hiện tốt Đề án bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, ngõ xóm. Năm 2016, 2017 và đến tháng 6-2018 bê tông hóa đạt chuẩn 307,5 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã, góp phần hoàn thành tiêu chí Giao thông của 15 xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Sở Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với các chủ đầu tư xây dựng một số cầu lớn như cầu Bình Ca, cầu Tình Húc và chủ động thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư các dự án: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Km187 + 610 - Km 209 + 00; cầu Bến Nước (Km 263 + 789), cầu Suối Cóc (Km 269 + 891) và đường dẫn thuộc đường Hồ Chí Minh; đường ĐT.185 đoạn Phúc Yên - Khau Cau (Lâm Bình); xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn Km14, QL2, Tuyên Quang - Hà Giang; đường Lý Thái Tổ, thành phố Tuyên Quang. 

Ngành cũng làm tốt công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông; quản lý vận tải, phương tiện và người lái; quản lý chất lượng công trình giao thông; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận giao dịch một cửa tất cả các ngày làm việc trong tuần tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân và doanh nghiệp. 

Phát huy truyền thống 73 năm xây dựng và phát triển, ngành Giao thông vận tải Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực “Đi trước mở đường”, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

kieuanh

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)