Thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Hà Nam về việc tăng cường xử lý xe quá tải hoạt động trên địa bàn, trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thị xã và thành phố Phủ Lý đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý những trường hợp xe chở quá tải trọng cho phép.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý phương tiện vi phạm.
Từ tháng 10 năm 2016, việc kiểm soát xe quá tải trên địa bàn tỉnh được giao trực tiếp cho lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) và Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tự tổ chức cân tải trọng phương tiện. Trên cơ sở đó, các ngành đã được trang bị cân xách tay, cân lưu động để kiểm soát tải trọng phương tiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đơn vị đang gặp phải những khó khăn nhất định, nhất là trong việc xử lý xe quá tải ở khu vực nông thôn.
Thiếu tá Đoàn Trung Dũng, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (Công an thị xã Duy Tiên) cho biết: Trên địa bàn thị xã có nhiều khu công nghiệp (KCN) và có một số doanh nghiệp sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng nằm ở vùng đất bãi ven đê sông Hồng nên thường xuyên có xe tải chở hàng hóa vào KCN, xe tải chở vật liệu xây dựng, trung chuyển hàng hóa từ bãi vật liệu xây dựng tới các công trình. Để hạn chế xe quá tải, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thị xã đã tập trung tuyên truyền tới các doanh nghiệp vận tải, lái xe không vi phạm trong việc vận tải hàng hóa, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý những phương tiện vi phạm, trong đó tập trung vào những tuyến đường được phân cấp, vị trí ngã rẽ vào đê sông Hồng ở khu vực xã Mộc Bắc, Mộc Nam, Chuyên Ngoại. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn như cân xách tay được trang bị thường xuyên hỏng hóc, không có thiết bị để cân tải trọng. Nhiều khi muốn xử lý xe quá tải, đơn vị phải nhờ cân của lực lượng thanh tra giao thông gây bất tiện. Nhiều khi cả buổi mới cân được một phương tiện làm mất rất nhiều thời gian.
Xe tải chở vật liệu xây dựng trên đường vào KCN Đồng Văn III.
Cũng như Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thị xã Duy Tiên), hiện nay lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn khi cân xách tay đã bị hỏng và đều phải nhờ cân của Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải). Ông Dương Thanh Hội, Chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Trong thời gian vừa qua, việc tổ chức cân tải trọng xe đã được lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ. Rất nhiều lần lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thị xã mượn cân của Thanh tra giao thông, đơn vị đều tạo điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị có hai cân, một cân lưu động và một cân xách tay, nếu như đơn vị đang xử lý xe quá tải thì công an các huyện có nhờ sẽ gặp khó khăn và có thể thời gian sẽ kéo dài mới đưa được cân đến vị trí xử lý. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước tiếp tục trang bị cân cho lực lượng chức năng xử lý xe quá tải mới nâng cao được hiệu quả xử lý các phương tiện vi phạm.
Thiếu tá Đoàn Trung Dũng, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (Công an thị xã Duy Tiên) kiến nghị: Nhà nước cần tiếp tục trang bị cân cho lực lượng chức năng để xử lý xe quá tải nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị xử lý phương tiện vi phạm. Nếu như cứ nhờ cân của Thanh tra giao thông, việc xử lý xe quá tải sẽ rất chậm trễ làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý.
Ngoài khó khăn trên, hiện nay việc xử lý xe quá tải trên địa bàn các huyện, thị xã cũng gặp phải vướng mắc do đê sông Hồng, sông Đáy, các KCN, CCN kết nối với nhiều tuyến giao thông chính nên phương tiện chở quá tải có thể đi vòng các tuyến đường không có lực lượng chức năng kiểm soát. Cụ thể, theo quy định trên tuyến đê sông Hồng chỉ cho phép xe có trọng tải tối đa 12 tấn, song có nhiều phương tiện chở vật liệu xây dựng từ mỏ khai thác cát, bến bãi vật liệu xây dựng, các nhà máy gạch tuynel… quá tải gấp 1,5 - 3 lần vẫn hoạt động. Hơn nữa, nhiều xe khi chở quá tải trọng cho phép thì lái xe còn cho người theo dõi nếu không có lực lượng chức năng kiểm soát, mới cho xe chạy ra quốc lộ.
Trong thời gian tới, những khó khăn trên cần được quan tâm tháo gỡ, giúp các lực lượng chức năng nâng cao được hiệu quả xử lý phương tiện vi phạm.