Bắc Ninh: Đầu tư hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển

Thứ ba, 20/04/2021 08:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ mặt giao thông tỉnh Bắc Ninh đang chuyển mình rõ nét với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những bước đột phá đầy ấn tượng. Ngoài việc ưu tiên tập trung nguồn lực lớn cho việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tăng tính kết nối không chỉ giữa các huyện, thị xã, thành phố mà còn hình thành liên kết vùng.

Đi qua Bắc Ninh hôm nay, những con đường trải nhựa uốn lượn kết nối các vùng trọng điểm kinh tế với các KCN, vùng dân cư đông đúc đầy sức sống. Để phục vụ kinh tế, xã hội phát triển ngày càng mạnh, tỉnh đang quyết tâm tập trung đầu tư thêm nhiều công trình giao thông trọng điểm.

Năm 2020 khép lại, bên cạnh thành công tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp với nhiều đổi mới, cũng khẳng định những nỗ lực của Bắc Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành “một cực tăng trưởng mạnh toàn diện của cả nước” ngay cả trong bối cảnh tác động bởi dịch COVID-19. Bắc Ninh là địa phương được Trung ương đánh giá có hạ tầng giao thông phát triển nhất toàn quốc với nhiều công trình hạ tầng giao thông mang tính kết nối cao đưa vào khai thác, khẳng định hiệu quả đầu tư và hướng đi đúng của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 4.000km đường các loại, trong đó có 4 tuyến Quốc lộ dài gần 170 km và đường tỉnh có 14 tuyến với chiều dài gần 270km, tỷ lệ nhựa hóa 100%; hơn 3.500km các tuyến đường huyện, đường đô thị và giao thông  nông  thôn với tỷ lệ nhựa, bê tông hóa rất cao. Chỉ trong vài năm trở lại đây, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng như: cầu Bình Than, Nút giao KCN Yên Phong với QL18, Đường tỉnh 276, Đường tỉnh 280, dự án mở rộng cầu Bồ Sơn, nút giao thông phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh…

Ảnh minh họa

Hiện tại, ngành GTVT và các địa phương tiếp tục triển khai nhiều công trình giao thông lớn, mang tính kết nối cao như cầu Phật Tích- Đại Đồng Thành, Đường tỉnh 287 từ thị xã Từ Sơn nối với QL18 và cầu Quế Tân, Đường tỉnh 276, 278… Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai các bước thiết kế, xây dựng cầu Hà Bắc 1, 2; phối hợp tỉnh Hải Dương xúc tiến đầu tư cầu Kênh Vàng; phối hợp với thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên triển khai đầu tư Đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội... Đây là những công trình quan trọng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông các địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các KCN, CCN, nhân dân các địa phương.

Hạ tầng giao thông tốt là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, nhiều huyện, thị xã có điều kiện phát triển nhanh chóng, làm đòn bẩy phát triển kinh tế; hầu hết trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh đến các xã, thị trấn, thị tứ đều có diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp và kinh tế phát triển toàn diện. Với quyết tâm tạo đột phá về hạ tầng giao thông, quan điểm của tỉnh không chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách mà còn huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội. Bắt tay vào thực hiện, Bắc Ninh đã chủ động, triển khai các biện pháp hỗ trợ, đối ứng với các nhà đầu tư. Đối với trung ương, chủ yếu xin cơ chế phát triển, điều này đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Theo thống kê của Sở GTVT, 5 năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, có hàng nghìn tỷ đồng vốn huy động của nhà đầu tư. Theo đánh giá của Bộ GT-VT, Bắc Ninh là một trong những địa phương vận dụng linh hoạt các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Điều này được minh chứng thông qua các dự án giao thông mà tỉnh đang triển khai. Nhờ những công trình giao thông trọng điểm này, các cửa ngõ giao thông quan trọng để Bắc Ninh kết nối với bên ngoài đều được mở.

Ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Với quan điểm đó, triển khai Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở kế thừa và phát triển, Sở GTVT xác định công tác tham mưu trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược. Từ đó, đã xây dựng nhiệm vụ cụ thể để từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Để có nền tảng triển khai các kế hoạch, gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà tỉnh đang triển khai lập, Sở rà soát, tham mưu với tỉnh và bổ sung Quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, giao thông thông minh là một trong các thành phần quan trọng để tích hợp vào Quy hoạch xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố thông minh. Quy hoạch phát triển GTVT được xác định phải đồng bộ, hiện đại đảm bảo liên thông tổng thể, định hướng phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ Bắc Ninh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các nước trong khu vực.

Có thể thấy, sự đồng bộ về hạ tầng giao thông sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa của tỉnh mà còn là đòn bẩy cho thu hút đầu tư. Giao thông “đi trước một bước” để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng và sự quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ giúp mạng lưới giao thông của tỉnh ngày càng đồng bộ và được nâng cao chất lượng, từ đó đẩy nhanh quá trình đô thị hóa để Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)