Nhiều trường hợp lắp thiết bị giám sát hành trình chỉ mang tính đối phó; khi muốn chạy quá tốc độ hay khi đón, bắt khách..., lái xe sẽ ngắt việc truyền dữ liệu về trung tâm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, kiểm soát phương tiện cũng như công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Thanh tra giao thông kiểm tra phương tiện vận tải hành khách thông qua
việc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tại Bến xe Yên Bái
Việc lắp đặt, theo dõi dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện vận tải trong quá trình hoạt động và kịp thời xử lý các vi phạm phát sinh. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều phương tiện không thực hiện truyền dữ liệu theo quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khoảng 400 phương tiện vận tải hành khách, 100 phương tiện vận tải hợp đồng và trên 8.600 phương tiện vận tải hàng hóa. Thực hiện theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô và trước đó là Nghị định 86/2014/NĐ-CP, các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện lắp thiết bị GSHT, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp lắp chỉ mang tính đối phó, khi muốn chạy quá tốc độ hay khi đón, bắt khách... lái xe sẽ ngắt việc truyền dữ liệu về trung tâm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, kiểm soát phương tiện cũng như công tác bảo đảm TTATGT.
Dù thời gian qua, Sở GTVT tỉnh nhiều lần chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua thiết bị GSHT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động vận tải, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn giao thông, tuy nhiên, vẫn còn nhiều phương tiện không truyền dữ liệu theo quy định. Trước tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về cao điểm kiểm tra, theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT, những ngày qua, lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Quốc Trưởng - Chánh Thanh tra giao thông, Sở GTVT cho biết: "Thanh tra Sở đã chỉ đạo các đội thường xuyên kiểm tra tại các bến xe, doanh nghiệp vận tải và lưu động trên đường để tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm về lắp đặt, duy trì hoạt động; vi phạm về cung cấp, cập nhật, truyền các thông tin từ thiết bị GSHT; các hành vi để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá hoặc làm nhiễu sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị và các hành vi vi phạm khác”. Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh, thiết bị GSHT có khả năng theo dõi, ghi nhận hành trình đi lại, vị trí dừng đỗ, vận tốc xe chạy, thời gian lái xe liên tục của người lái xe và nhiều thông tin khác.
Vì vậy, doanh nghiệp sử dụng thiết bị GSHT có thể đưa ra các cảnh báo đến các tài xế để đảm bảo ATGT. Hơn nữa, các thiết bị này có khả năng phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh khi phương tiện vượt quá tốc độ quy định hoặc thời gian lái xe liên tục vượt quá 4 giờ đồng hồ. Đối với công tác quản lý Nhà nước về ATGT, khi tích hợp thông tin từ thiết bị GSHT có thể làm căn cứ xử lý một số lỗi vi phạm đối với tài xế hay với doanh nghiệp vận tải.
Do vậy, cùng với triển khai đợt cao điểm này, thời gian tới, ngành giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, phòng, ban chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của các phương tiện vận tải; tiến hành rà soát các phương tiện giao thông thuộc diện phải lắp đặt thiết bị GSHT và kiểm tra chất lượng đường truyền dữ liệu của các phương tiện; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải sau khi cấp phù hiệu xong phải thông báo, truyền dữ liệu thiết bị GSHT cho cơ quan quản lý Nhà nước trong ngày để kịp thời phát hiện các lỗi thông qua thiết bị GSHT cũng như các phương tiện cố tình không hoạt động thiết bị GSHT.
Đồng thời, Sở cử cán bộ tăng cường giám sát dữ liệu thiết bị GSHT, liên tục theo dõi, cập nhật thông tin truyền về của các phương tiện đã được lắp thiết bị và sử dụng thông tin trích xuất từ thiết bị để phục vụ công tác quản lý, xử lý các hành vi chạy sai luồng, tuyến... của các phương tiện vận tải.