Nhiều năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực vượt bậc của Nhân dân, các cấp chính quyền thành phố, Hà Nội đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông (HTGT) hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng, mở rộng, hoàn thiện mạng lưới HTGT vẫn đang ngày càng trở nên bức thiết với Thủ đô.
Xứng tầm vị thế
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 23.272,86km đường bộ, có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; mạng lưới đường sắt quốc gia; đường thủy trên các tuyến: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu... Cả thành phố có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông (5,6 triệu xe máy, 685.000 xe ô tô các loại); chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành thường xuyên qua lại. Với mạng lưới giao thông như vậy, Hà Nội đã có ưu thế để phát triển vận tải đa dạng trong cả lĩnh vực hàng hóa lẫn hành khách.
Đường bộ hiện là một trong những thế mạnh của Hà Nội với 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn thành phố. Trong đó có 7 tuyến hướng tâm gồm: Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Hạ Long; Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Lào Cai; Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng chiều dài 113,2km. Cùng với đó là 3 tuyến vành đai: 3, 4, 5 có tổng chiều dài 129,5km; tuyến quá cảnh cao tốc Tây Bắc - QL5 dài 35,km. Hiện 8/11 tuyến đường bộ cao tốc đã cơ bản hình thành, tương ứng với 170,2km, trong đó có 7 tuyến hướng tâm. Còn lại 3 tuyến liên kết vùng là Vành đai 4, Vành đai 5 và cao tốc Tây Bắc - QL5 đang chờ được đầu tư.
Đường Vành đai 3 trên cao tại Hà Nội.
Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc như đã nêu trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm. Đó là các hành lang: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, Hà Nội đang phát triển theo xu hướng chùm đô thị, với hạt nhân trung tâm là khu vực lõi bên trong Vành đai 4 và 5 đô thị vệ tinh xung quanh, cùng với sự tương hỗ của các đô thị thuộc tỉnh, thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên… Vai trò đô thị trung tâm của Hà Nội được quyết định trước hết bởi vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của chính nó, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác trong vùng.
Hà Nội còn có thế mạnh đặc biệt với cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài, cảnh cổng mở ra kết nối với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh đường sắt và đường thủy liên vùng còn nhiều hạn chế, khó khăn, hàng không và đường bộ đã phát huy mạnh mẽ vai trò chính yếu để đảm bảo cho Hà Nội giữ vững vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục; đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Thủ đô, của cả nước và đang dần vươn tầm ra khu vực. Với đòn bẩy giao thông, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất cả nước, nền kinh tế phát triển toàn diện cả công - nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… có sức lan tỏa sâu rộng đến mọi miền đất nước.
Nhiều việc phải làm
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Nội cũng còn rất nhiều việc phải làm để nâng cấp, tối ưu hóa mạng lưới HTGT, nhằm phát huy đầy đủ hiệu quả của nó với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như vũ bão hiện nay.
Thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng: “Hà Nội đã tạo được mạng lưới cơ bản vững mạnh về đường bộ, có sân bay lớn nhất nhì cả nước, tuy nhiên đường thủy và đường sắt lại chưa đáp ứng được kỳ vọng. Một mạng lưới HTGT toàn diện phải có sự gắn kết, đồng bộ giữa tất cả các loại hình nêu trên”. Trên thực tế, hệ thống HTGT khung của thanh phố mới chỉ đang trong giai đoạn sơ khởi, còn khá rời rạc và chưa phát huy được hết tác dụng.
Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 7 vành đai lớn, nhưng đến nay mới chỉ có Vành đai 3 khả dĩ đã được khép kín, còn lại đều rời rạc và cần sớm được liên kết để đảm bảo lưu thông. Hiện tuyến Vành đai 3 đang phải chịu áp lực giao thông cực kỳ lớn, cả từ các phương tiện quá cảnh lẫn đi - đến Hà Nội như xe khách liên tỉnh, xe tải, xe cá nhân… Trong khi đó, một số vành đai khác như 3,5; 2,5; 4; 5 lại mới chỉ được đầu tư từng phần hoặc chưa đầu tư; nhiều tuyến giao thông huyết mạch vẫn bị cắt đứt bởi rào chắn tự nhiên là sông Hồng. Vừa qua, Hà Nội có đề xuất xây 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống chính là để kết nối các tuyến Vành đai. Trong đó quan trọng nhất là các cầu Mễ Sở (Vành đai 4), Thượng Cát (Vành đai 3,5)...
Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội Lê Trung Hiếu cho rằng, một hợp phần khác có vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới giao thông, vận tải công cộng của Hà Nội là ĐSĐT thì hiện nay vẫn chưa có một tuyến nào được đưa vào khai thác. Thiếu ĐSĐT, năng lực của vận tải công cộng khó đáp ứng được nhu cầu đi lại trong TP. Bên cạnh đó, việc xây dựng kết cấu hạ tầng của ĐSĐT cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống hạ tầng chung của toàn TP.
Các chuyên gia cho rằng, đầu tư cho HTGT là vô cùng đắt đỏ nhưng mang lại hiệu quả xứng đáng đến từng xu. Bởi vậy, Chính phủ cũng như TP Hà Nội cần dồn toàn lực để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho HTGT. Không chỉ nguồn vốn mà ngay cả chính sách, cơ chế kêu gọi, triển khai đầu tư cũng là những nguồn lực vô cùng quan trọng, cấp bách đối với mục tiêu phát triển HTGT. Với một vị thế đặc thù, Hà Nội cần những giải pháp đặc biệt linh hoạt, quyết liệt để khơi thông nguồn lực đó.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thành ủy, HĐND TP Hà Nội thông qua, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất 8 nhóm dự án giao thông quan trọng với 45 công trình. Trong đó có 6 dự án ĐSĐT; 7 dự án đường Vành đai; 9 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống; 5 dự án đường Quốc lộ; 7 dự án đường kết nối liên vùng; 5 công trình nhằm giảm thiểu UTGT; 8 dự án cải tạo, nâng cấp các nút giao thông lớn.
"Hình thức đầu tư hỗn hợp - đầu tư công kết hợp đối tác công - tư trong lĩnh vực HTGT đã thực sự phát huy hiệu quả và cần tiếp tục được áp dụng triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc đề xuất cơ chế chỉ định thầu, giao thầu là cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông lớn. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện sớm, đi trước một bước." - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung.
"Trong quá trình đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Hà Nội đã xác định được thứ tự ưu tiên, tập trung vào hoàn thiện trước những dự án, công trình HTGT khung có tính chất nền tảng, định hình cho toàn bộ mạng lưới. Lựa chọn đó là hợp lý và cần thiết để phát huy tối đa hiệu quả mỗi đồng vốn chi cho kiến thiết hạ tầng giao thông." - Chuyên gia quản lý đô thị, thạc sĩ Phan Trường Thành