Bảo đảm an toàn hàng hải trên biển Vũng Tàu

Thứ hai, 22/08/2011 10:57 GMT+7
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng tàu hoạt động, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như: Y tế, Hải quan, Cảng vụ Hàng hải, Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện.

Vùng biển Vũng Tàu, những năm trở lại đây, ngày càng sôi động với sự hình thành các tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp đi châu Âu, bờ Ðông và bờ Tây nước Mỹ. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng tàu hoạt động, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như: Y tế, Hải quan, Cảng vụ Hàng hải, Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng luồng tàu và cảng biển khu vực còn hạn chế đang ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu ra vào cảng.

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có lợi thế vượt trội về cảng biển, nhất là hệ thống cảng nước sâu. Trong số hơn 50 dự án cảng đã đăng ký, tổng vốn đầu tư hơn 134 nghìn tỷ đồng, đến nay đã có hơn 30 dự án đi vào hoạt động, tổng công suất thông qua khoảng 60 triệu tấn hàng hóa/năm. Chính sự ra đời của hệ thống cảng nước sâu cộng với sự hình thành các tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp đi châu Âu, bờ Ðông và bờ Tây nước Mỹ đã biến vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành điểm đến sôi động của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới, như: Hanjin, Mol, Maerk...

Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống cảng nước sâu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trên địa bàn đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động đề xuất loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. Theo Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu Lê Văn Thức, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu là một trong năm cảng vụ được chọn thực hiện chủ trương cải cách hành chính tại cảng biển, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu trước đây, việc làm thủ tục cho tàu, thuyền xuất nhập cảnh mất rất nhiều thời gian do phải làm thủ tục ở ít nhất bốn cơ quan là biên phòng, hải quan, y tế kiểm dịch và cảng vụ hàng hải, thủ tục rườm rà, dễ phát sinh tiêu cực, thì nay, với mô hình một cửa (cả bốn cơ quan đều tập trung tại một địa điểm nhất định), mỗi bộ thủ tục được quy định hoàn thành trong thời gian không quá 60 phút. Chấm dứt tình trạng các đơn vị cử cán bộ xuống tàu kiểm tra độc lập, gây phiền hà cho chủ tàu, doanh nghiệp. Chỉ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các tàu chở khách du lịch lớn, nhằm giải quyết nhanh các thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên ngành còn thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc các doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, chủ tàu, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng phát triển. Ðây chính là nguyên nhân khiến số lượng tàu, thuyền ra vào cảng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng hằng năm. Lượng hàng hóa qua cảng vì thế cũng ngày càng tăng, cụ thể: Năm 2009 đạt hơn 31 triệu tấn, năm 2010 đạt 37 triệu tấn, sáu tháng đầu năm 2011 hơn 25,3 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Ðây thật sự là tín hiệu vui trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

An toàn cho những chuyến tàu

Ngày 11-2-2010, tàu Albert Maersk, quốc tịch Ðan Mạch, dài 352,25 m, trọng tải 109 nghìn tấn, cập cảng SP-PSA thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Liên tiếp sau đó là các tàu có trọng tải lớn từ 80 nghìn đến 120 nghìn tấn cập các cảng nước sâu trên địa bàn tỉnh, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành hàng hải Việt Nam, cùng sự trưởng thành của các đơn vị trong ngành.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu Lê Văn Chiến, những sự cố, tai nạn hàng hải xảy ra thường rất nghiêm trọng. Thực tế, kết cấu hạ tầng luồng tàu và cảng biển tại khu vực còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức thử nghiệm đưa tàu trọng tải lớn ra vào cảng tuy đạt được những kết quả khích lệ, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành, doanh nghiệp và địa phương. Mới đây, ngày 10-5-2011, khi đang trên hành trình từ Ma-lai-xi-a về một cảng nằm trên sông Thị Vải - Cái Mép (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), "siêu tàu" Grete Maersk, trọng tải 120 nghìn tấn, đã bị mắc cạn tại khu vực Bãi Trước (Vũng Tàu), cách bờ vài trăm mét. Ðể kéo tàu ra khỏi khu vực mắc cạn, các cơ quan chức năng đã phải sử dụng tới bảy tàu kéo có tổng công suất hơn 30 nghìn CV, cộng với lực đẩy 80 nghìn CV của tàu Grete Maersk. Thiệt hại ước hàng chục tỷ đồng. Theo Giám đốc Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu Nguyễn Khắc Du, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về an toàn hàng hải, hoa tiêu, lai dắt... cho phù hợp tình hình thực tế là cần thiết. Ông Du đề xuất, để bảo đảm an toàn cho tàu có chiều dài hơn 300 m ra vào các cảng trên sông Thị Vải - Cái Mép thì tổng công suất các tàu lai hỗ trợ cần bảo đảm ít nhất bằng 10% trọng tải của tàu, trong đó phải có tàu lai công suất đủ lớn với số lượng phù hợp hỗ trợ tàu ra vào cảng. Bên cạnh đó cần tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn hàng hải. Bởi trên thực tế, tình trạng đóng đăng đáy và các phương tiện đánh bắt hải sản trái phép trên các tuyến luồng hàng hải vẫn xảy ra.

Thiết nghĩ, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát quá trình đưa tàu, thuyền ra vào cảng, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định đã đề ra. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm an toàn cho các phương tiện vận tải biển nói chung và các tàu trọng tải lớn nói riêng ra vào cảng.

Nhandan.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)