Hội nghị lần thứ tư nhóm công tác về Đường bộ và ATGT Châu Á-TBD tại Băng Cốc, Thái Lan

Thứ ba, 18/10/2011 16:08 GMT+7
Vừa qua, Đoàn cán bộ của Bộ GTVT đã tham dự Hội nghị lần thứ tư Nhóm công tác Đường bộ và Hội nghị chuyên gia về tăng cường an toàn giao thông đường bộ Châu Á - Thái Bình Dương do Ban Thư ký Tổ chức Kinh tế - Văn hóa - Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc ( UNESCAP) tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan, từ ngày 27 – 29/9/2011. Hội nghị lần này có đại diện của 26 nước thuộc Châu Á-Thái Bình Dương và 17 tổ chức quốc tế tham dự.

Vừa qua, Đoàn cán bộ của Bộ GTVT đã tham dự Hội nghị lần thứ tư Nhóm công tác Đường bộ và Hội nghị chuyên gia về tăng cường an toàn giao thông đường bộ Châu Á - Thái Bình Dương do Ban Thư ký Tổ chức Kinh tế - Văn hóa - Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc ( UNESCAP) tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan, từ ngày 27 – 29/9/2011. Hội nghị lần này có đại diện của 26 nước thuộc Châu Á-Thái Bình Dương và 17 tổ chức quốc tế tham dự.
Nội dung chính của Hội nghị Nhóm công tác về Đường bộ Châu Á như sau:
Các nước Armenia, Azerbaijan, Căm-pu-chia, Trung Quốc, Lào, Nhật bản, Nga, Philippine, Thái lan, đã bổ sung chi tiết về các chương trình phát triển mạng lưới đường bộ Châu Á và các dự án đầu tư được bố trí từ nhiều nguồn vốn nội như ngân sách nhà nước, hợp tác công - tư và nguồn vốn vay của các ngân hàng phát triển. Các nước thành viên này đã nêu một số sáng kiến khác, có hiệu quả về an toàn giao thông trên Hệ thống đường bộ Châu Á.
Chủ tịch Hội nghị, Ngài Dong - Woo Ha, Giám đốc Ban GTVT của UNESCAP nêu rõ, những năm gần đây Hiệp định mạng lưới đường bộ Châu Á đã được các nước thành viên thực hiện rất tốt. Đến nay, các nước thành viên đã cải tạo, nâng cấp được khoảng 10000km đường bộ đạt chuẩn cấp cao, so với các năm 2007 và 2008 mới chỉ có khoảng 1000km đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của Tiêu chuẩn thiết kế đường bộ Châu Á. Trong thời gian tới các nước thành viên cần cải tạo, nâng cấp khoảng 11000km đường bộ hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu tối tiêu của Tiêu chuẩn thiết kế đường bộ Châu Á.
Hội nghị đánh giá cao quá trình cập nhật thông tin về Mạng lưới đường bộ Châu Á và đề nghị các nước thành viên nâng cấp tất cả các tuyến đường bộ Châu Á dưới Cấp III để đảm bảo yêu cầu tối thiểu của Tiêu chuẩn thiết kế đường bộ Châu Á. Về vấn đề này, một số đoàn đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực đầu tư phát triển và hỗ trợ kỹ thuật trong việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ Châu Á nêu trên, đồng thời đề nghị Ban Thư ký tích cực trợ giúp các nước thành viên về vấn đề này. Hội nghị cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á xem xét hỗ trợ đầu tư để xây dựng, cải tạo và nâng cấp mạng lưới tuyến đường bộ Châu Á.
Hội nghị đánh giá cao Hàn Quốc đã hoàn thành công tác đặt biển báo cho các tuyến đường bộ Châu Á trên lãnh thổ của nước mình, đồng thời lưu ý một số nước như các nước Căm-pu-chia, Trung Quốc, Philippine, Thái lan, v.v... cần triển khai đặt biển báo hiệu cho các tuyến đường bộ Châu Á để đảm bảo thực hiện theo đúng qui định của Hiệp định.
Ban Thư ký Hội nghị đã thông báo, toàn bộ cơ sở dữ liệu của Mạng đường bộ Châu Á đã và đang được cập nhật liên tục, đề nghị các nước thành viên khẩn trương cung cấp thông tin liên quan về cơ sở dữ liệu của các tuyến đường bộ Châu Á của mình để sớm được công bố. Cơ sở dữ liệu trên trang web của Tổ chức UNESCAP, theo địa chỉ: http://www.unescap.org/ttdw/common/TIS/AH/files/vietnam_generalinfo.pdf
Tiếp sau Hội nghị trên là Hội nghị chuyên gia tăng cường ATGT đường bộ ở Châu Á và Thái Bình Dương với các nội dung chính sau đây:
Tại Hội nghị, Ngài Giám đốc Ban GTVT của tổ chức UNESCAP đã nhấn mạnh về thảm họa của tai nạn đường bộ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nơi hàng năm có tới hơn 700.000 người đã chết vì TNGT đường bộ, chiếm khoảng 50% số người chết trên toàn cầudo TNGT đường bộ trên thế giới (1,3 triệu người).
Hội nghị dành một ngày để nghe 12 nước có bài trình bày về tình hình công tác đảm bảo ATGTĐB và các biện pháp tăng cường ATGT đường bộ của nước mình. Thay mặt đoàn Việt Nam, đại diện Lãnh đạo Vụ ATGT đã trình bày những biện pháp mạnh của Chính phủ Việt Nam, để thực hiện các mục tiêu đặt ra, hưởng ứng thập kỷ hành động ATGT đường bộ toàn cầu (2011-2020) do Liên Hiệp Quốc phát động vào ngày 11/5/2011, nhấn mạnh các biện pháp về tăng cường sự quản lý nhà nước ( Nghị quyết 88 CP-NQ ngày 24 tháng 8 năm 2011) như tăng các mức xử phạt và các biện pháp về lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; Xây dựng năm 2012 thành năm ATGT; Nghiên cứu áp dụng việc hạn chế sử dụng xe cá nhân (đặc biệt là xe môtô, xe gắn máy)…
Một trong các chủ đề chính của Hội nghị lần này là Hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT đường bộ.
Mục tiêu của khu vực trong thập kỷ hành động tới là giảm được 50% số người chết và bị thương nặng thông qua việc thực hiện 36 chỉ số mà Ban Thư ký UNESCAP đưa ra. Các chỉ số này luôn được các nước thành viên cập nhật và cung cấp cho Ban Thư ký, tập trung vào việc quản lý nhà nước về ATGT đường bộ, về mạng đường xuyên Á an toàn, về người tham gia giao thông an toàn, phương tiện giao thông an toàn và cấp cứu sau tai nạn giao thông đường bộ.
Liên quan đến 36 chỉ số này, Hội nghị cũng nhận thấy rằng một số chỉ số hiện tại chưa được áp dụng ở các quốc gia thành viên nên chưa có để cung cấp cho Ban Thư ký. Ngoài ra, Ban Thư ký cũng bổ sung một số số liệu như: (a) chỉ số về số người chết/100.000 dân; (b) số liệu về khoảng kinh phí dành cho ATGT/tổng vốn đầu tư cho xây dựng đường bộ (Theo khuyến cáo của chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á nên dành 10% tổng kinh phí đầu tư công trình đường bộ cho công tác bảo đảm ATGT trên tuyến đường đó).
Hội nghị cũng ghi nhận rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa các nước về việc cung cấp đầy đủ và chính xác các số liệu về TNGT đường bộ và chủ yếu là báo cáo thường thấp hơn so với thực tế ở hầu hết tất cả các nước trong khu vực với các mức độ khác nhau.
Hội nghị ghi nhận về chất lượng các chương trình/ hệ thống số liệu TNGT đường bộ đang được sử dụng ở nhiều nước. Một số chương trình có sự kết hợp giữa nguồn thông tin theo báo cáo của CSGT và báo cáo từ các bệnh viện. Một số chương trình mang tính chất thương mại (lấy số liệu phải trả tiền). Hiện nay chương trình thí điểm của tổ chức Handicap International (Vương quốc Bỉ) đang thực hiện tại Căm pu chia đang được đánh giá cao. Đó là một mô hình có kết hợp số liệu của CSGT và các bệnh viện chính của CPC.
Hội nghị cũng thống nhất chiến lược, kế hoạch AT đường bộ quốc gia cần phải bao gồm việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác để cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ việc xây dựng các biện pháp can thiệp hiệu quả để đảm bảo ATGT.
Hội nghị cũng đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á nghiên cứu dành một khoản kinh phí từ nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng đường bộ cho công tác tăng cường năng lực về ATGT đường bộ cũng như xây dựng hoặc duy trì vận hành một hệ thống cơ sở dữ liệu đường bộ chính xác và hiệu quả. (Hiện nay, trung tâm cơ sở dữ liệu TNGT ĐB quốc gia của Việt Nam đang được Tư vấn Vicroad của Ốtxtrâylia thiết kế, nằm trong một hợp phần của Dự án ATGTĐB do vốn vay của Ngân hàng Thế giới . Dự kiến , trung tâm sẽ đặt tại 112 Lê Duẩn, trụ sở của Cục CSGT ĐB-ĐS , Bộ Công an , hiện đang xây dựng).
Hội nghị cũng đánh giá cao các sáng kiến cũng như các biện pháp mà các nước trong khu vực đã và đang thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu của Thập kỷ hành động do Liên Hiệp Quốc phát động.
Hội nghị cũng đã khởi động hệ thống nối mạng ATGT đường bộ Châu Á-Thái Bình Dương (APRSN) bao gồm các chuyên gia về ATGT của các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế . Đây sẽ là diễn đàn để trao đổi thông tin, kinh nghiệm cũng như biện pháp về công tác bảo đảm ATGT.
Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đã tiếp xúc và trao đổi với các đại diện của các nước như Malaysia, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc và đã có sự nhất trí về trao đổi thông tin, trợ giúp và hợp tác về ATGT trong tương lai.

LMC- Vụ ATGT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)