Ngày 28 tháng 10 năm 2011, được sự tài trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Bộ GTVT đã tổ chức Lễ phát động phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Trường tiểu học Gia Lạc, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tham dự có Lãnh đạo của Vụ An toàn giao thông, Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và đào tạo, Công an tỉnh Ninh Bình, Lãnh đạo các huyện Gia Viễn và Nho Quan và hơn 300 em học sinh của hai trường tiểu học và trung học cơ sở Gia Lạc.
![](/Uploads/Image/Chau_ATGT(1).JPG)
Bà Lê Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT - Bộ GTVT phát biểu tại buổi Lễ
Hiện nay, tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn do đuối nước đang là một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong do tai nạn thương tích và đang là vấn đề được Đảng, Chính phủ, các cơ quan ban ngành và nhân dân đặc biệt quan tâm. Tai nạn do đuối nước đối với trẻ em không những gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, gây ra những đau đớn vô cùng đáng tiếc, để lại hậu quả lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội.
Theo thống kê năm 2007 cho thấy, có 3.786 trẻ em và người chưa đến tuổi thành niên trong độ tuổi 0-19 tuổi tử vong vì đuối nước (BYT 2008). Con số này tương đương với tỉ lệ tử vong là 10,4 trường hợp/100.000 trẻ, cao gấp 10 lần tỉ lệ tử vong đuối nước ở các nước phát triển, điều này phản ánh thực trạng đáng báo động về vấn đề đuối nước ở Việt Nam. Năm 2008, tính trung bình tại 15 tỉnh/ thành phố số tử vong do đuối nước cao nhất, đã có tới 106 trẻ em từ 0-19 tuổi bị tử vong do đuối nước. Con số này nguy cơ còn tiếp tục gia tăng.
Trên cả nước có hơn 3700 bến khách ngang sông, dọc tuyến với hơn 5.000 phương tiện hoạt động, hàng năm vận chuyển khoảng hơn 80 triệu lượt hành khách, chiếm khoảng hơn 25% tổng trọng tải hành khách của cả ngành giao thông. Tuy nhiên, việc chấp hành Luật giao thông đường thủy nội địa trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập như: vẫn còn người điều khiển phương tiện ở một số bến chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn; chất lượng của phương tiện giao thông đường thủy không được đảm bảo, thiếu thiết bị an toàn nhất là phao cứu sinh; chở quá tải theo qui định… đặc biệt hay gặp ở một số phương tiện chở khách ngang sông (đò ngang), việc quản lý, điều hành hoạt động của bến khách ngang sông của chính quyền ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. Những yếu tố trên là một trong những nguyên nhân của những vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng làm mất đi cuộc sống của nhiều trẻ em.
Tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên hơn 1.400 km2, với bờ biển dài hơn 15 km và hệ thống sông ngòi dày đặc như: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Càn, sông Vạc, Sông Vân... tạo thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh. Tổng số bến đò nằm trên địa bàn của tỉnh là 51 bến. Tuy nhiên, Ninh Bình cũng là 1 trong 20 tỉnh có số trẻ em bị chết do tai nạn dưới nước cao nhất trong cả nước. Năm 2009, số trẻ từ 0 đến 19 tuổi tử vong do đuối nước tại Ninh Bình là 64 em, trong đó có 41 em nam và 23 em nữ.
Xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn là một trong các xã nghèo nhất tỉnh, nằm tải tại khu vực lũ, lụt nơi có con sông Hoàng Long chạy qua. Lễ phát động là dịp tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống đuối nước cho trẻ em nói chung và bảo đảm an toàn đường thủy nội địa cho các em. Các đơn vị liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, nhà trường, các chủ bến đò và chủ đò đã ký một bản Cam kết thực hiện tốt các quy định của pháp luật, mặc áo phao, trao dụng cụ nổi cho các em khi qua đò, dạy các em biết bơi v.v… nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Cũng tại Lễ phát động, các đơn vị của Bộ GTVT đã trao 350 dụng cụ nổi và cặp phao cho các em học sinh và lãnh đạo hai huyện Gia Viễn và Nho Quan.
Bài: Vụ ATGT
Ảnh : VTTH - Trung tâm CNTT