TP. Hồ Chí Minh: Tập trung hoàn thiện dự án hạ tầng trọng điểm

Thứ hai, 07/11/2011 07:53 GMT+7
Việc tập trung hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm sẽ phần nào giúp TP.HCM giải quyết bớt gánh nặng quá tải về hạ tầng.

Việc tập trung hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm sẽ phần nào giúp TP.HCM giải quyết bớt gánh nặng quá tải về hạ tầng.
Cụ thể dự án đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm tổng vốn đầu tư 13.400 tỷ đồng, sẽ chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 20/11/2011 sắp tới. Đây là dự án quan trọng có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) nói riêng và khu phía Đông thành phố nói chung. Đây là trục đường gần nhất nối trung tâm TP.HCM với khu Đông Sài Gòn, nối cảng Cát Lái với các tỉnh miền Đông và miền Tây.
Một số các công trình trọng điểm của thành phố đang được chờ đợi sẽ hoàn thành trong năm 2011 là công trình nút giao thông cầu Gò Dưa - quận Thủ Đức, hay công trình cầu Phú Long nối quận 12 - TP.HCM với thị trấn Lái Thiêu tỉnh Bình Dương và đặc biệt là dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM -Long Thành - Dầu Giây, cho biết: Tuyến đường cao tốc này là tuyến giao thông quan trọng của khu vực miền Đông Nam bộ, khi hoàn thành góp phần hoàn thiện hệ thống đường giao thông khu kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời đẩy nhanh sự hình thành các khu đô thị vệ tinh của TP.HCM như Biên Hoà, Nhơn Trạch...
Bên cạnh đó, việc tiến hành xây dựng các tuyến metro cũng thể hiện quyết tâm của thành phố giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông trong định hướng phát triển bền vững. Sáu tuyến metro tại TP.HCM (theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt). Hiện các tuyến số 1, 2 đang trong giai đoạn thực hiện. Các tuyến metro hứa hẹn sẽ giải quyết được tình trạng quá tải về giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và được đánh giá là bước đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, là một động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Ngoài ra, còn nhiều công trình hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng khác như tuyến cao tốc TP.HCM - Đông Nam bộ với đường vành đai 3 và 4 đi qua 5 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An. Việc đầu tư xây dựng hai tuyến đường vành đai 3 và 4 ở TP.HCM đảm bảo liên kết chặt chẽ với các tuyến đường cao tốc, các quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội ô, tạo dịch vụ vận tải chủ động và hiệu quả phát triển kinh tế khu vực; xây thêm cầu qua sông Sài Gòn…
Nói về những khó khăn thành phố đang gặp phải trong việc triển khai thực hiện các công trình giao thông hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết vấn đề lớn nhất là đền bù tái định cư, ổn định chỗ ở cho người dân. Đối với những dự án phục vụ phúc lợi công cộng, hạ tầng giao thông, lãnh đạo thành phố mong nhân dân chia sẻ một phần quyền lợi của mình cho sự phát triển chung.
Được biết, UBND thành phố đã rà soát, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, giãn tiến độ các dự án chưa cấp bách, tập trung vốn hoàn thành các công trình trọng điểm, đồng thời bố trí đủ vốn cho các chương trình, dự án cấp bách…
Ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết, TP.HCM tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông mới đồng thời với việc khai thác hiệu quả hệ thống hiện hữu; Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, trong đó quan tâm đặc biệt tới các phương tiện có sức chở lớn như metro, có kế hoạch hạn chế sử dụng xe cá nhân, từng bước giãn dân ra ngoại thành… Từ nay đến năm 2015, thành phố tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm mục đích tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông. Để đạt được mục tiêu này, thành phố linh hoạt trong huy động nguồn vốn thực hiện từ nhiều hình thức như vốn viện trợ ODA, trái phiếu chính phủ, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân theo hình thức PPP…/.

Theo Kinhtevietnam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)