Bài phát biểu của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN ngành GTVT giai đoạn 2005-2010

Thứ sáu, 22/04/2011 19:02 GMT+7
Ngày 22/4/2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức phiên họp toàn thể Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN ngành GTVT giai đoạn 2005 - 2010. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì và phát biểu tổng kết Hội nghị. Sau đây là toàn văn Bài phát biểu của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.

Ngày 22/4/2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức phiên họp toàn thể Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN ngành GTVT giai đoạn 2005 - 2010. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì và phát biểu tổng kết Hội nghị. Sau đây là toàn văn Bài phát biểu của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chủ trì Hội nghị
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phát biểu tổng kết Hội nghị
 

Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể Hội nghị!

Sau gần 4 giờ làm việc hết sức nghiêm túc và khẩn trương, phiên họp toàn thể Hội nghị Tổng kết hoạt động KHCN giai đoạn 2005 - 2010, định hướng hoạt động đến năm 2015 của ngành GTVT đã hoàn thành các nội dung chương trình.

Cùng với các nội dung đã tiến hành tại các phiên họp tại các Tiểu ban chuyên ngành xây dựng công trình giao thông; Tiểu ban Cơ khí - Điện - Điện tử - Công nghệ thông tin; Tiểu ban Kinh tế - Vận tải - Y tế - Môi trường An toàn giao thông, trong đó nhiều báo cáo khoa học có ý nghĩa học thuật, nghiên cứu chuyên sâu, bám sát và phục vụ có hiệu quả cho thực tế sản xuất của ngành GTVT đã được các tác giả trong và ngoài nước trình bày. Tại phiên họp toàn thể ngày hôm nay, Hội nghị đã tiếp tục nghe Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KHCN ngành GTVT giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng cho giai đoạn 2011 - 2015 cũng như một số báo cáo của đại diện các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất.

Các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã nêu lên các thành tựu thể hiện tính đúng đắn của định hướng phát triển KHCN đến 2020, mục tiêu và lộ trình đổi mới công nghệ đã được Bộ GTVT xây dựng, khẳng định lại vai trò đóng góp xứng đáng của công tác KHCN trong việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN; lựa chọn nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến phù hợp áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo được sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có chất lượng, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định cơ chế, chính sách, hệ thống quy phạm, pháp luật quản lý chuyên ngành phù hợp với sự phát triển của cơ chế thị trường có định hướng XHCN góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành trong thời gian qua.

Điểm cần nhấn mạnh là giai đoạn 2005 - 2010 chúng ta đã hoàn toàn làm chủ, triển khai ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển ngành GTVT trong các lĩnh vực của ngành, biến kết quả hợp tác, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiên tiến của thế giới trước đó thành các công nghệ mang hoàn toàn thuơng hiệu Việt Nam trong các lĩnh vực GTVT.

Việc hoàn toàn tự chủ ứng dụng thành công các công nghệ hiện đại trong xây dựng công trình giao thông như: cầu dây văng nhịp lớn (270m) ở Rạch Miễu, cầu bê tông cốt thép dự ứng lực nhịp lớn (150m) ở cầu Hàm Luông, cầu có trụ cao 97,5m ở cầu Pá Uôn, đường ô tô cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, sân bay Cần Thơ, Phú Quóc, cảng Cái Lân, Tiên Sa, chế tạo các sản phẩm tàu thủy cỡ lớn 100.000 T đến 150 000 T, sản phẩm công nghiệp và sửa chữa ô tô, cơ khí đường sắt, công nghệ thông tin...đã khẳng định trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân ngành GTVT hiện nay đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới. Đây là những tiền đề KHCN vững chắc để chúng ta tiếp tục triển khai ứng dụng cho những công trình, sản phẩm GTVT có qui mô lớn hơn, mức độ phức tạp cao hơn như cầu Cổ Chiên, Đại Ngãi, cầu qua biển trong dự án xây dựng cảng Lạch Huyện, các dự án xây dựng đường ô tô cao tốc, đường sắt cấp cao, sân bay, công trình cảng lớn...trong thời gian tới đây.

Một lần nữa thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ GTVT, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những cống hiến, những thành tích và hiệu quả hoạt động KHCN góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành GTVT của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý trong và ngoài ngành ở những năm trước đây và giai đoạn 2005 - 2010 vừa qua.

Kính thưa toàn thể các đồng chí!

Những thành tựu đạt được của công tác KHCN ngành GTVT giai đoạn 2005 - 2010 vừa qua là cơ bản và rất đáng ghi nhận, đồng thời qua Hội nghị này cũng đã chỉ ra được những bài học kinh nghiệm quý báu để khắc phục những tồn tại, vượt qua những thách thức để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KHCN của ngành. Để đáp ứng nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển ngành GTVT hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của hoạt động KHCN trong ngành GTVT tập trung vào một số vấn đề sau đây:

1. Về định hướng chiến lược cho hoạt động KHCN giai đoạn 2011 - 2015

Quán triệt phương hướng mục tiêu của công tác KHCN đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI:”Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức” với chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2011 - 2015: “sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 35% tổng GDP”. Từ đó đề xuất phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ KHCN chủ yếu của ngành GTVT giai đoạn 5 năm tới tập trung phục vụ các định hướng sau đây:

a - Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN với mục tiêu số một là tăng tỷ trọng đóng góp của KHCN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của ngành GTVT.

b - Ưu tiên chủ động tiếp cận, nghiên cứu triển khai ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển hệ thống GTVT hiện đại, chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện môi trường.

c - Tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, công trình giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững các lĩnh vực của ngành GTVT. Công tác này phải được thực hiện đồng bộ, có hệ thống từ quy hoạch, lựa chọn công nghệ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, vận hành sau đầu tư.

2. Về một số vấn đề cấp thiết liên quan đến hoạt động KHCN cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Cần tập trung vào một số vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa có tính cơ bản lâu dài liên quan vai trò của KHCN đối với sự phát triển của ngành sau đây:

Vấn đề thứ nhất là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về tổ chức, quản lý và cơ chế hoạt động KHCN.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII và Chương trình hành động thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa IX của Chính phủ về phát triển nhanh doanh nghiệp khoa học - công nghệ (DNKHCN) và thị trường công nghệ (TTCN), theo định hướng gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và chuyển đổi hoạt động của tổ chức nghiên cứu khoa học công lập theo cơ chế doanh nghiệp. Thực hiện đổi mới hoạt động KHCN theo tinh thần các Nghị định 115/2005/NĐ - CP ngày 5/9/2005 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ - CP ngày 19/5/2007 về doanh nghiệp KHCN. Đây là vấn đề rất quan trọng, đã thực hiện tốt ở một số lĩnh vực chuyên ngành GTVT trong thời gian vừa qua, trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện, tạo động lực, phát huy hết mọi tiềm năng, đa dạng hóa hình thức hoạt động thúc đẩy hoạt động KHCN ngành GTVT phát triển mạnh mẽ.

Tăng cường hiệu quả của các cơ chế tổ chức, quản lý nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, công trình GTVT.

Đặc biệt chú trọng tính thiết thực và hiệu quả của các công trình nghiên cứu, giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất, dịch vụ, quản lý ngành GTVT.

Tăng cường chỉ đạo phối hợp liên ngành với Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin tuyền thông, Bộ Công thương và các Bộ, ngành, địa phương khác trong hoạt động KHCN.

Vấn đề thứ hai là tăng cường hơn nữa vai trò của KHCN trong tăng năng suất, hạ giá thành, quản lý chất lượng công trình xây dựng, sản phẩm công nghiệp giao thông, chất lượng dịch vụ vận tải, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Tập trung nâng cao vai trò của KHCN đặc biệt là trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến làm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm, công trình GTVT. Trong giai đoạn tới phải giải quyết được các vấn đề còn chưa hoàn thiện trong xây dựng công trình giao thông như: độ lún, độ bằng phẳng, độ nhám của mặt đường ô tô, nối tiếp giữa cầu và đường; đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ vật liệu thích hợp để giải quyết nạn khan hiếm vật liệu, công nghệ xử lý đất yếu, sử dụng các dạng kết cấu hỗn hợp bê tông – thép nhằm giảm trọng lượng bản thân, tiết kiệm chi phí nền móng, thích hợp với việc xây dựng công trình giao thông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; các công nghệ thích hợp hiệu quả phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông ở các vùng núi. Làm chủ các công nghệ tính toán đảm bảo an toàn công trình dưới tác động phức tạp của môi trường khí hậu do gió, bão, sụt trượt, động đất, sóng thần, nước biển dâng...

Hoạt động KHCN cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng để đưa ra các giải pháp có hiệu quả nhằm kiểm soát, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghiệp, công trình giao thông, dịch vụ vận tải, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Đặc biệt cần chú trọng việc cập nhật các công nghệ tiên tiến, cần phân tích lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam, với lộ trình phát triển công nghệ của ngành.

Hoàn thiện việc thể chế hóa và tập trung tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, sản phẩm GTVT, chú trọng việc xây dựng và tuân thủ quy trình công nghệ, quy định kỹ thuật cho từng hạng mục, sản phẩm xây lắp, sản phẩm công nghiệp...

Trong giai đoạn tới Vụ KHCN cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong và ngoài ngành tiếp tục rà soát, bổ sung chỉnh sửa Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công nghệ áp dụng trong ngành GTVT theo hướng cập nhật thường xuyên, liên tục, tiếp cận trình độ quốc tế, lựa chọn các tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, tkhí hậu thuỷ văn, vật liệu và trình độ kỹ thuật chế tạo, thi công của Việt Nam. Ngoài các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần chú trọng biên soạn thêm hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật, hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng, đăng kiểm, thí nghiệm vật liệu, sổ tay hướng dẫn nhằm cụ thể, chi tiết hoá các vấn đề kỹ thuật công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng trong thực tế.

Bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện các công nghệ cho các sản phẩm công nghiệp, công trình xây dưng công trình giao thông đã triển khai cần nhanh chóng nắm bắt các công nghệ xây dựng hệ thống đường sắt trên cao, xe điện ngầm, chủ động nghiên cứu tiếp cận công nghệ xây dựng đường sắt cấp cao, sử dụng vật liệu và công nghệ mới, đẩy mạnh việc hoàn thiện các dòng sản phẩm công nghiệp chiến lược quốc gia trong lĩnh vực tàu thủy, ô tô, đường sắt, máy xây dựng, công nghiệp hàng không, công nghệ thông tin, dịch vụ vận tải nội địa và quốc tế...

Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong quy hoach, quản lý, điều hành. kiểm soát giao thông, tăng mức độ an toàn, giảm thiểu tai nạn, bảo vệ môi trường cần được tập trung chú trọng hơn nữa.

Vấn đề thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN trong quản lý, khai thác, bảo trì, sản phẩm công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.

Vấn đề này rất quan trọng và cấp thiết vì sau gần 30 năm đổi mới, ngày nay chúng ta đang là chủ sở hữu của khối tài sản lớn gồm hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư nâng cấp cải tạo, xây dựng mới khá hiện đại, các sản phẩm công nghiệp thế hệ mới cũng đòi hỏi các chỉ tiêu kỹ thuật cao, chế độ kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Chúng ta có trách nhiệm phải quản lý tốt nhằm đảm bảo an toàn khai thác, tính bền vững, tuổi thọ và hiệu quả đầu tư đối với các sản phẩm công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.

Đây chính là vấn đề quản lý an toàn và chất lượng công trình, sản phẩm công nghiệp GTVT ở giai đoạn sau đầu tư. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và nước ta đã cho thấy đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm và tập trung đầu tư áp dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại, kinh nghiệm quản lý và cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Cần rà soát, bổ sung hoàn thiện tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ khâu tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, chỉ dẫn kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn; áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống trạm cân kiểm soát tải trọng, đặt biển tải trọng cho các cầu đang khai thác, thiết bị giám sát hành trình phương tiện vận tải, thiết bị đăng kiểm, hệ thống giao thông thông minh (ITS) thu phí điện tử (ETC), hệ thống theo dõi quan trắc liên tục (SHMS) cho đến các khâu cơ chế chính sách liên quan, hệ thống tổ chức, phân cấp quản lý, các giải pháp thực hiện…

Vụ KHCN cần phối hợp tốt với Cục QLXD và CLCTGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam các Viện nghiên cứu, các Trường đại học trong và ngoài ngành hoàn thiện đề án về quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT có tính hệ thống đồng bộ từ khâu tiếp cận và lựa chọn công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chỉ dẫn kỹ thuật. sổ tay hướng dẫn cho đến tổ chức và biện pháp thực hiện, đào tạo nhân lực, cơ chế kiểm tra, phân cấp, phân nhiệm, nguồn vốn...không chỉ cho các sản phẩm công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng do trung ương, mà cả các sản phẩm công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng do địa phương quản lý.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành cần phối hợp tốt với các Tổng công ty trong việc đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị bảo trì sản phẩm công nghiệp. hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Đặc biệt cần lưu ý các công nghệ hiện đại và có hiệu quả cao dùng để đánh giá, phát hiện hư hỏng, sửa chữa, tăng cường, bảo vệ hệ thống kết cấu hạ tằng giao thông chống lại các tác động ăn mòn, xâm thực xuống cấp do quá trình khai thác cũng như tác động của môi trường nhằm tăng cường an toàn và tuổi thọ của sản phẩm công nghiệp. công trình GTVT, giảm chi phí đầu tư.

Vấn đề thứ tư là ứng dụng KHCN tăng cường hiệu quả đối với các dự án phát triển giao thông nông thôn và miền núi.

Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển cân đối giữa các vùng miền trong cả nước. Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã và dành khoảng 40% ngân sách cho các chương trình xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội cho nông thôn, miền núi, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. GTVT cần đi trước một bước để phục vụ các chương trình phát triển tại các vùng đặc biệt ưu tiên này. Do điều kiện địa hình, khí hậu phức tạp, điều kiện cung ứng nguyên vật liệu thiết bị rất khó khăn nên cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện vấn đề cấp kỹ thuật, vật liệu, kết cấu, công nghệ thích hợp cũng như cơ chế bảo trì hiệu quả đối với hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn, miền núi, hải đảo nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả đầu tư.

Vấn đề thứ năm là đổi mới công nghệ đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và năng lực hoạt động KHCN của ngành.

Thực tế đã cho thấy còn nhiều bất cập ở khâu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động KHCN. Vụ KHCN, Vụ Tổ chức cán bộ cần tập trung hơn nữa để nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các chuyên gia, lực lượng cán bộ KHCN, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành trong việc biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, tài liệu kỹ thuật cũng như triển khai các đề tài nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật cấp thiết của ngành. Một số khâu đào tạo, đặc biệt là đào tạo các kỹ sư tư vấn giám sát công trình, nghiệm thu kiểm soát chất lượng sản phẩm công nghiệp cần được hoàn thiện và nâng cấp cả ở khâu chương trình lẫn chất lượng đào tạo.

Điều kiện cơ sở vật chất, trạng thiết bị phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, kiểm soát chất lượng, thí nghiệm công trình, đăng kiểm sản phẩm công nghiệp ngành GTVT cũng cần từng bước tiếp tục tăng cường và quản lý tốt hơn.

Tôi tin tưởng rằng từ kết quả của Hội nghị này các hoạt động KHCN sẽ phát huy tốt các thành tích và kết quả trong thời gian qua, thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được hoạch định trong chiến lược phát triển KHCN của ngành GTVT đến năm 2020, lộ trình và giải pháp thực hiện đến năm 2015, góp phần vào việc hoàn thành chiến lược tổng thể phát triển ngành GTVT đên năm 2020 đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Nhân dịp này, một lần nữa thay mặt Lãnh đạo Bộ GTVT, tôi xin chân thành cám ơn sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sự giúp đỡ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương trong cả nước đối với phát triển KHCN nói riêng và sự nghiệp phát triển của ngành GTVT nói chung và xin tuyên bố bế mạc Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng hoạt động đến năm 2015 ngành GTVT.

Kính chúc sức khoẻ các vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể Hội nghị!

Xin cám ơn!

---------------------

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)