Ngày 25/4/2012, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên nhi đồng Quốc hội cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Unicef đã tổ chức hội nghị phát động và ký cam kết về phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012 – 2015.
Đến dự hội nghị có ông Doãn Mận Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bà Ngô Thị Minh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên nhi đồng Quốc hội, ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và bà Lotta Sylwander - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cùng đông đảo các đại biểu từ các bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tỉnh, thành phía Bắc Việt Nam.

Ở Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em cao nhất, chiếm trên 50% số trẻ em tử vong vì tai nạn thương tích. Theo kết quả giám sát của Bộ Y tế, trong 6 năm 2005 – 2010, mỗi năm có trung bình 3500 trẻ em và trẻ em vị thành niên (0-18 tuổi) tử vong do đuối nước.
Để phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em, các biện pháp đồng bộ đã được triển khai bao gồm công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các văn bản chỉ đạo, xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, phòng và chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên toàn quốc.
Công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước trẻ em đã được đẩy mạnh trên toàn quốc. Năm 2010, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành phát động chiến dịch truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em trong đó xây dựng cam kết 7 điểm ngằm giảm tử vong do đuối nước tại 15 tỉnh có tỷ lệ đuối nước cao nhất.
Kết quả, sau gần 2 năm thực hiện, theo báo cáo của Bộ Y tế và các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ tử vong do đuối nước tại 10/15 tỉnh trọng điểm đã giảm. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo trên, số trẻ em bị chết đuối trên toàn quốc chưa giảm, tập trung vào các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Bắc miền Trung.
Công tác đảm bảo trật tự an toàn đường thủy được triển khai đồng bộ với sự phối hợp của Bộ Công an và Bộ GTVT. Cục Đường thủy nội địa, Bộ GTVT, và Cục Cảnh sát đường thủy, Bộ Công an, đã có văn bản chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy, Thanh tra đường thủy nội địa tại các địa phương tăng cường kiểm tra, tuần tra xử lý các vụ việc vi phạm an toàn đường thủy, đồng thời xây dựng các tài liệu truyền thông, các phóng sự phát triển truyền hình và phát tờ rơi cho các chủ tàu, người quản lý bến bãi về thực hiện an toàn giao thông đường thủy.
Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác dạy bơi và cứu đuối. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minhphát động “Tuần lễ dạy bơi cho trẻ em”.
Hưởng ứng cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao” được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động ngày 30/5/2005, Bộ GTVT, mà cụ thể là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ An toàn Giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã vận động các tổ chức, đơn vị và địa phương liên quan huy động và phát 30.000 áo phao, cặp phao cho các bến khách ngang sông và học sinh của các trường học ven sông của 30 tỉnh, thành trong cả nước.
Tại Hội nghị, đại diện 9 Bộ, ngành đã ký Cam kết và Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012 – 2015, Bộ GTVT đã cử đại diện Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham gia ký kết.
Bản Cam kết và Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012 – 2015 nhấn mạnh đến các nhiệm vụ:
- Chỉ đạo triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ cũng như phòng chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt là mở một chuyên trang riêng trên Tạp chí Đường thủy nội địa để tuyên truyền về việc phòng chống đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa để tuyên truyền tới các xã, phường, trường học ven sông.
- Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những mô hình phòng chống đuối nước trẻ em trên phương tiện thuỷ nội địa, trong đó có việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”.
- Xây dựng cảng, bến thủy nội địa văn hoá – an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em.
- Chỉ đạo các lực lượng, đặc biệt là Thanh tra giao thông đường thuỷ, Cảng vụ đường thuỷ nội địa ,phối hợp với cảnh sát đường thuỷ tăng cường công tác kiểm tra; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa tại 5 địa phương trọng điểm.
LMC - Vụ ATGT