Tình trạng xe quá khổ, quá tải hoành hành khiến nhiều cây cầu, tuyến đường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xuống cấp. Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giảm thiểu tác động xấu đến tuổi thọ công trình do phương tiện gây ra.
Trong tháng 4/2012, UBND tỉnh Bắc Giang có công văn chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT), Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường phát hiện, ngăn chặn, xử lý phương tiện vận tải chở hàng quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường, giao cho Sở GTVT chủ trì thực hiện. Ngay sau đó, Sở đã xây dựng và triển khai kế hoạch "chống" xe quá khổ, quá tải.
Việc triển khai kế hoạch ngăn chặn, xử lý xe quá khổ, quá tải lần này không phải để tăng nguồn thu cho ngân sách mà làm cho các cấp, ngành và các đối tượng tham gia giao thông nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ kết cấu giao thông đường bộ. Đến nay, hầu hết các huyện đã tổ chức hội nghị đến các cơ quan, đơn vị, phòng ban hữu quan của huyện, lãnh đạo UBND, cán bộ giao thông, địa chính, công an các xã, thị trấn và có huyện phổ biến đến cả trưởng thôn.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Sở GTVT Bắc Giang quyết định mở đợt cao điểm phối hợp kiểm tra, xử lý phương tiện quá khổ, quá tải qua cầu Mỏ Trạng trên đường tỉnh (ĐT) 292, đoạn km25+100 qua xã Tam Tiến và các tuyến đường trên địa bàn huyện Yên Thế, nhằm bảo vệ cầu Mỏ Trạng đang bị hư hỏng, nứt vỡ dầm cầu.
Sau một tháng phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố, thanh tra GTVT tỉnh, lực lượng chức năng trên địa bàn toàn tỉnh đã kiểm tra phát hiện ngăn chặn, xử lý 126 trường hợp vi phạm về ATGT đường bộ, trong đó có 36 trường hợp ô tô chở quá tải, tước quyền sử dụng tạm thời giấy pháp lái xe (GPLX) 63 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 178 triệu đồng. So với tháng trước, tháng cao điểm kiểm tra, số lượt phương tiện phát hiện xử lý tăng 57%, xe chở quá tải tăng 38%, số tiền xử phạt tăng 54% và số lượt lái xe bị tước quyền sử dụng GPLX tăng 84%. Trước đó, cầu đường sắt Cẩm Lý (Lục Nam) thực hiện ngăn ba-ri-e cấm xe tải trọng lớn, kết quả sau hai tháng triển khai, số lượng xe tải nặng, container qua cầu giảm đáng kể. Nếu như trước đây có 260-270 xe tải qua cầu mỗi ngày thì hiện nay giảm còn vài chục xe.
Theo ông Trần Đình Quảng, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bắc Giang, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội kiểm tra liên ngành vẫn gặp sự chống đối, đe dọa gây áp lực cho lực lượng thi hành nhiệm vụ; lái xe và chủ phương tiện còn không hợp tác như bỏ lại xe, không ký vào biên bản… Ngoài ra, khi kiểm tra phát hiện xe chở quá trọng tải cho phép của cầu đường bộ, không có kho chứa hàng rời, phương tiện chuyên dụng để hạ tải, mới chỉ dừng ở việc xử phạt bằng tiền và tước GPLX có thời hạn cho nên hiệu quả răn đe chưa cao. Do lực lượng thanh tra mỏng, sau khi đội kiểm tra liên ngành rút đi làm ở địa điểm khác các xe quá tải, quá khổ lại hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, phương tiện phục vụ công tác kiểm tra còn thiếu, như cân di động có tải trọng lớn, kinh phí bồi dưỡng cho người đi làm trực tiếp còn hạn chế, cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt và làm việc cũng gặp khó khăn. Muốn giải quyết triệt để nạn chở quá tải trọng cho phép, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: vừa tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, vừa tích cực kiểm soát, cưỡng chế, xử lý; kiểm soát từ khâu đăng kiểm phương tiện; nêu cao vai trò của chính quyền cấp huyện, xã; gắn việc "chống" xe quá khổ, quá tải với thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và quy định về bảo trì đường huyện, đường xã vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành./.
Theo báo Bắc Giang