Đến năm 2015, thành phố Đà Nẵng sẽ hoàn thành xây dựng cảng Sơn Trà và cải tạo nâng cấp chuyển hóa cảng Sông Hàn thành cảng du lịch, xây dựng các bãi đổ xe ngầm trong khu vực quận Hải Châu và Thanh Khê.
Nhiều định hướng quan trọng về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và đô thị, hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm tăng trưởng năng động mang tính cạnh tranh quốc tế, là thành phố môi trường theo hướng phát triển bền vững, thành phố thông minh, đáp ứng cơ bản mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2020 đã được cơ bản thống nhất tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan vào chiều ngày 21-5.
Đây là một trong những nội dung chủ chốt sẽ được đưa vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ dự kiến sẽ được trình Thành ủy phê duyệt trong tháng 5-2012.
Theo đó, trong năm 2013, hoàn thành các công trình trọng điểm như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, các cầu qua khu đô thị Hòa Xuân và các cầu trên đường vành đai phía Nam (giai đoạn 1), đường Nguyễn Văn Linh nối dài, đường Trần Hưng Đạo nối dài, hạ tầng các khu tái định cư, khơi thông sông Cổ Cò.
Trước năm 2015, hoàn thành xây dựng Cảng Sơn Trà và cải tạo nâng cấp chuyển hóa cảng Sông Hàn thành cảng du lịch. Đến năm 2015, xây dựng các bãi đổ xe ngầm trong khu vực quận Hải Châu và Thanh Khê, nâng cấp đồng bộ các tuyến đường nội thị kết hợp với phân luồng tổ chức giao thông, mở rộng mặt cắt các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, giao thông nội đồng.
Xây mới một số đường trục như trục ngang số 5 (quốc lộ 1A – cao tốc – quốc lộ 14B), trục dọc D1 (Nguyễn Phan Vinh – sân bay Nước Mặn), tuyến số 20 (cầu Hòa Xuân – Làng Đại học), đường đến khu Làng Vân...
Ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng, hệ thống trạm dừng nghỉ, hệ thống điều khiển giao thông, nghiên cứu xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành. Giai đoạn 2011-2015, xe buýt thông thường giữ vai trò chủ đạo, giai đoạn 2016-2020 đưa xe buýt nhanh BRT vào vận hành trên các tuyến chính và nghiên cứu thử nghiệm lại hình vận tải khối lượng lớn – Metro.
Trước năm 2020, xây dựng cảng Liên Chiểu làm khu cảng dịch vụ, du lịch, thương mại; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 (mở rộng về phía Bắc và phía Nam, xây dựng bến tàu, kết hợp nhà ga tàu du lịch biển quốc tế Tiên Sa)./
Báo Đà Nẵng