Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn giám sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phản ánh về những bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2009 đến nay, tình hình vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mấy thuyên giảm. Số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến thương vong vẫn ở mức cao. Thống kê cho thấy, đã có 598 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong 3 năm qua, với 651 người chết và 536 người bị thương; Số vụ va chạm dẫn tới bị thương tuy có giảm nhưng vẫn còn cao khi có 748 vụ va chạm dẫn đến 1.259 người bị thương. Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông chủ yếu là do người điều khiển phương tiện giao thông chạy quá tốc độ (96 vụ), chuyển hướng không chú ý quan sát (102 vụ), lưu thông sai phần đường (253 vụ), tránh vượt sai quy định (59 vụ), không nhường quyền ưu tiên, do quy trình thao tác lái xe, do phương tiện, đường sá, do rượu bia và nhiều nguyên nhân khác.
Thống kê cũng cho thấy, số vụ vi phạm được phát hiện rất nhiều, bình quân mỗi năm trên 90 ngàn vụ phải lập biên bản vi phạm hành chính, tổng số xe ô tô bị tạm giữ là 1.083, số xe máy bị tạm giữ là hơn 53 ngàn chiếc và tổng số tiền phạt trong 3 năm là gần 98 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tước hơn 11 ngàn giấy phép lái xe có thời hạn, 175 giấy phép lái xe không thời hạn và buộc học, kiểm tra lại Luật an toàn giao thông 2.495 trường hợp. Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư khá mạnh cho giao thông kể cả đường bộ và đường thủy. Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng và phát triển không ngừng. Công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thủy nội địa, tuyên truyền nội dung của đề án giảm thiểu tai nạn giao thông là một trong những công tác trọng tâm luôn được UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh chú trọng thực hiện. Các nội dung về an toàn giao thông được tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, đến tận cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được tăng cường, huy động được các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại chưa mấy vững chắc. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, những nhân tố tác động đến tình hình trật tự an toàn giao thông còn tiềm ẩn và chưa được khắc phục, ngăn ngừa triệt để.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành chức năng có liên quan như Sở GTVT tỉnh, Công an tỉnh đều phản ánh những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ phản ánh, theo quy định, những trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông vận tải không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế theo điều 66 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được ban hành năm 2008. Tuy vậy, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải không thực hiện được vì không mang tính khả thi, thiếu nhân lực, địa chỉ người vi phạm không rõ ràng. Ngay cả quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính còn gây lúng túng cho địa phương khi triển khai. Ví dụ như khoản 3, điều 24, Nghị định số 128/2008 của Chính phủ hướng dẫn: “Trường hợp đã qua 1 năm mà người có thẩm quyền không thể giao quyết định xử phạt đến người bị xử phạt do người đó không đến nhận và không xác định được địa chỉ của họ hoặc lý do khách quan khác thì người đã ra quyết định xử phạt ra quyết định đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt ghi trong quyết định đối với người đó”, nhưng lại không quy định về việc xử lý các loại giấy tờ bị tạm giữ để bảo đảm việc thực hiện xử phạt. Đơn vị, địa phương thực hiện trở nên lúng túng, không biết phải xử lý như thế nào đối với các loại giấy tờ bị tạm giữ.
Còn việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2008 tối đa không quá 60 ngày; Thông tư 04/2010 của Bộ Công an cũng quy định 60 ngày, điều này lại mâu thuẫn với thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm. Trên thực tế, nhiều trường hợp vi phạm bị tạm giữ phương tiện là xe mô tô dù hết thời hạn tạm giữ phương tiện hàng mấy tháng trời mới đến để giải quyết nhận lại phương tiện. Vấn đề xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đối với vị thành niên cũng chưa đủ sức răn đe, trong khi ngày càng nhiều vị thành niên vi phạm.
Các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng kiến nghị, phản ánh nhiều bất cập khác khiến cho tình hình xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông bị hạn chế, ít tác dụng răn đe. Trong khi đó, song song với tuyên truyền, giáo dục thì chế tài xử phạt là biện pháp hữu hiệu nhằm làm giảm tình trạng vi phạm an toàn giao thông.
UBND tỉnh cũng nêu ra nhiều vấn đề đang góp phần làm phức tạp về tình hình an toàn giao thông tại địa phương như: Các đường dân sinh đấu nối không hợp lệ vào quốc lộ, tỉnh, huyện lộ; Theo quy định, khi đầu tư xây dựng công trình giao thông phải đền bù luôn phần đất thuộc hành lang an toàn đường bộ, nhưng hầu như không thực hiện được do kinh phí hạn chế; Tình hình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường họp chợ, buôn bán, tình trạng xe khách không vào bến, chạy vòng vo đón khách trong nội ô, đô thị… chưa thể xử lý triệt để; Các phương tiện chở hàng hóa quá tải làm rơi vãi xuống đường còn phổ biến, trong khi lực lượng phụ trách địa bàn còn mỏng, công cụ hỗ trợ thiếu, chính quyền phường, xã chưa chú trọng xử lý vi phạm trên địa bàn quản lý mà còn đùn đẩy trách nhiệm… UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý các vấn đề trên trong thời gian tới nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Tại cuộc họp, Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bên cạnh việc các lực lượng chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên đường, kiến nghị UBND tỉnh, Ban an toàn giao thông tỉnh cho phép lắp đặt camera tại một số điểm nóng để theo dõi các phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Trong khuôn khổ của chương trình giám sát lần này, cho thấy Bà Rịa - Vũng Tàu cần tăng cường các giải pháp nhằm làm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, tăng cường các biện pháp truyền thông, xử phạt để người tham gia giao thông chấp hành tốt pháp luật về giao thông vận tải. Sau đợt giám sát, những kiến nghị của địa phương cũng như các tỉnh, thành khác sẽ được xem xét nhằm sửa đổi, bổ sung pháp luật về giao thông vận tải phù hợp với thực tiễn…/.
Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu