Từ Tesla, công ty của nhà tỉ phú siêu sáng tạo Elon Musk cho đến gã khổng lồ tìm kiếm Google, có rất nhiều tên tuổi lớn đang tham gia vào cuộc chạy đua nhằm đưa xe không người lái tới thị trường người tiêu dùng. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, một công ty nhỏ bé tại Pháp đã vượt qua tất cả các tên tuổi này để trở thành hãng đầu tiên ra mắt ô tô tự hành phiên bản thương mại.
Induct, một công ty chỉ có 40 nhân sự tại Pháp, đã trở thành công ty đầu tiên ra mắt một chiếc xe không người lái thương mại (có thể được sản xuất hàng loạt) đầu tiên trong lịch sử: Navia. Chiếc xe này không được đẹp như Tesla hay BMW, nhưng được hi vọng sẽ trở thành sản phẩm tiên phong cho thị trường xe không người lái.
Ra mắt tại Hội chợ Điện tử Người tiêu dùng CES 2014, Navia có thể chở tối đa 8 người, và có giá lên tới 250.000 USD (5,27 tỉ đồng). Navia chạy bằng năng lượng điện và sử dụng cảm biến laser để phát hiện và tránh các chướng ngại vật trên đường đi, thay vì sử dụng GPS như các mẫu xe không người lái trước đây. Tuy nhiên, tốc độ tối đa của chiếc xe này chỉ đạt tầm gần 20km/h.
Induct tuyên bố rằng Navia là một sản phẩm thực sự khác biệt, bởi chiếc xe này "thông minh, tự chủ và thân thiện với môi trường". Người dùng có thể "gọi" Navia thông qua smartphone hoặc máy vi tính. Khi lên xe, họ sẽ sử dụng màn hình cảm ứng để chọn điểm đến.
Navia không sử dụng đường ray, do đó có thể hoạt động trên tất cả các tuyến đường. Tuy vậy, chiếc xe này chỉ thực sự phù hợp khi được dùng để di chuyển trong các khu vực lớn như sân bay, trường đại học, sân vận động và sân khấu lớn, thay vì tham gia giao thông giống như những chiếc xe ô tô thông thường.
"Hãy thử tưởng tượng một thành phố không có những chiếc xe bus ồn ào, xả khói gây ô nhiễm. Thay vào đó là những chiếc xe bus robot tự động, thân thiện với môi trường mà bạn có thể 'gọi xe' từ smartphone", Pierre Lefevre, CEO của Induct giới thiệu về sản phẩm của mình.
"Navia có thể lái tự động hoàn toàn, chạy bằng năng lượng điện không có khí thải, an toàn và dễ sử dụng. Đây là giải pháp tuyệt vời cho khách bộ hành di chuyển trong các không gian lớn".
Hiện tại, Navia đang được sử dụng thử nghiệm tại Viện Khoa học Liên bang Lausanne, Thụy Sĩ và tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử, Abingdon.
"Giá duy trì dịch vụ lái xe khoảng cách ngắn tại Mỹ, bao gồm cả lái xe, là khoảng 200.000 USD (khoảng 4,2 tỉ đồng) mỗi năm. Navia là giải pháp an toàn, thân thiện với môi trường, có thể giúp giảm chi phí từ 40 đến 60%".
Hiện tại, Tesla, công ty của tỉ phú tài năng Elon Musk, đang theo đuổi kế hoạch tung ra xe điện lái tự động thương mại trong vòng 3 năm tới. Nếu đạt được mục tiêu này, Tesla sẽ qua mặt Google. Gã khổng lồ tìm kiếm bắt đầu tham gia vào cuộc chạy đua chế tạo ra các sản phẩm xe không người lái thương mại từ 4 năm về trước.
Sở dĩ quá trình chế tạo xe tự lái của Google bị chậm hơn so với dự kiến là do các nhà sản xuất xe hơi liên kết lo ngại sẽ phải chịu trách nhiệm trong các vụ tai nạn, dựa theo các nguồn tin của tờ Financial Times. Tuy vậy, Google đã thử nghiệm nhiều mẫu xe có các thiết bị trông giống như radar trên đường phố California và Nevada. Sức mạnh phần mềm của Google áp đảo tất cả các đối thủ cạnh tranh, và do đó viễn cảnh ô tô điện được "lái" bởi Google là hoàn toàn khả thi.
Song, tham vọng của Tesla lại lớn hơn tất cả các nhà sản xuất khác. Theo các nhà phân tích, các công ty sẽ phải mất ít nhất là 10 đến 15 năm để tung xe tự lái ra thị trường. Daimler và Nissan tuyên bố "hi vọng" sẽ tung xe tự lái ra thị trường vào cuối thập niên này. Tesla đưa ra con số 3 năm. Xét tới thành tựu tung ra chiếc xe thương mại chạy 100% trên năng lượng điện đầu tiên trong lịch sử cũng như các dự án "siêu tưởng" khác, như tàu siêu tốc di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác trong... vài phút, dự án du lịch vũ trụ Space X, công ty Tesla của Elon Musk rất có thể sẽ tiếp tục thành công.
Nguồn Vnreview