Máy bay siêu âm độ ồn thấp. Ảnh: NASA
Theo Live Science, độ ồn của máy bay siêu thanh chủ yếu phụ thuộc vào kích thước và tốc độ di chuyển. Nhưng ngay cả ở tốc độ thấp nhất, khoảng 1.225 km/giờ, nói cách khác là ở tốc độ âm thanh, chúng cũng gây ra tiếng nổ siêu thanh khó chịu, theo NASA.
Cơ quan này đang cùng với đối tác trong ngành công nghiệp hàng không phát triển một loại máy bay siêu thanh có độ ồn thấp hơn những mẫu trước đây như phi cơ Concorde đã ngừng hoạt động từ 2003.
Concorde là một trong hai máy bay dân sự có khả năng bay tốc độ siêu thanh trên thế giới, cạnh tranh với thiết kế của Liên Xô có tên gọi Tupolev Tu-144. Trong 12 năm kể từ khi hai hãng hàng không British Airways và Air France cho Concorde "nghỉ hưu" (hơn 25 năm sau chuyến bay chở khách cuối cùng của Tu-144), chưa máy bay nào khác có thể lấp được khoảng trống về tốc độ nhanh hơn đạn mà nó để lại.
Theo NASA, thế hệ máy bay mới sẽ có kiểu dáng giúp "giảm tiếng ồn, độ rung và những âm thanh do rung động" xảy ra khi máy bay phá vỡ rào cản âm thanh, tạo ra sóng xung kích phát tiếng ồn siêu thanh.
Tiếng ồn là lý do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ban hành lệnh cấm máy bay siêu thanh bay qua đất liền vào năm 1973. Hiện NASA đang phải làm việc với FAA và các tổ chức hàng không khác để thay đổi quy định này, theo Alexandra Loubeau, một kỹ sư âm học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu NASA ở Hampton, bang Virginia.
"Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan khắp thế giới để hỗ trợ đưa ra chứng nhận độ ồn mới cho các chuyến bay siêu thanh, để các phi cơ loại này được phép bay cả trên đất liền và biển", Loubeau nói.
Tuy nhiên, để được cấp phép, NASA sẽ phải tìm ra nguyên nhân tại sao người trên mặt đất lại rất khó chịu với tiếng ồn do máy bay siêu âm gây ra. Là do tiếng ồn siêu thanh, hay do những dao động đi kèm với tiếng ồn?
"Trong các thí nghiệm, chúng tôi đã phân tích mọi hiện tượng xảy ra do tiếng ồn máy bay, dao động do nó gây ra, tiếng ồn của đồ đạc trong phòng va chạm vào nhau do ảnh hưởng của dao động, để tìm ra nguyên nhân gây khó chịu", Jonathan Rathsam, một kỹ sư âm học khác của NASA cho biết.
NASA đã tuyển mộ thành viên từ các địa phương gần với cơ sở nghiên cứu tại Virginia. Tình nguyện viên sẽ ngồi trong phòng kín và nghe những tiếng động giống bom nổ từ các loa công suất lớn. Ghế ngồi cũng được trang bị các thiết bị rung lắc phát tiếng động mô phỏng hiệu ứng của tiếng bom siêu âm thực. Tuy nhiên về mức độ, những tiếng nổ này kém xa máy bay Concorde, chỉ tương đương với âm thanh mà thế hệ máy bay siêu âm mới sẽ phát ra.
"Dữ liệu thu được trong phòng thí nghiệm sẽ được ứng dụng để phát triển mô hình dự đoán phản ứng của con người trước tiếng ồn siêu thanh, nhưng đó mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ vấn đề", Loubeau cho biết. Các nghiên cứu thực địa cũng đang được tiến hành. Họ cho máy bay siêu thanh bay qua các khu dân cư để đánh giá phiền toái do tiếng ồn gây ra trong thực tế, theo Loubeau.
Tuy nhiên, phải ít nhất 10 năm nữa, chúng ta mới có thể thấy chuyến bay đầu tiên của phi cơ siêu thanh tiếng ồn thấp trên bầu trời.