Đầu tháng 4 vừa rồi, các phương tiện truyền thông của Bắc Triều Tiên công bố hình ảnh chiếc máy bay quân sự chiến lược của họ trong một phiên bản ngụy trang mới. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi đó không phải là một chiếc phi cơ phản lực với kiểu dáng mới hay khả năng bay siêu nhanh. Nó chỉ là một chiếc Antonov An-2 với cánh hai tầng, phiên bản những năm 1940 và trông chẳng khác nào chiếc máy kéo gắn thêm đôi cánh.
Một chiếc An-2 trong màu sơn mới của quân đội Bắc Triều Tiên
Tuy nhiên, những chiếc An-2 của Bắc Triều Tiên không hẳn vô dụng. Nó có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ đòi hỏi độ bay thấp và chậm, nhằm thả các đội biệt kích qua biên giới Hàn Quốc. An-2 có thể bay thấp tới mức dưới tầm bị radar phát hiện.
Những chiếc Antonov An-2, niềm tự hào của quân đội Bắc Triều Tiên xuất hiện trong một phiên bản ngụy trang mới. Mặt trên của chiếc máy bay được sơn màu xanh lá, trong khi đó, mặt dưới được phủ sơn da trời. Điều này khiến chúng khó bị phát hiện từ phía dưới mặt đất và cả khi từ trên tầm bay cao nhìn xuống. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao cho đến năm 2015, Bắc Triều Tiên vẫn tự hào về những chiếc máy bay từ những thập niên 40 của thế kỷ trước?
Vì nó có thể bay lùi...
Antonov An-2 là dòng máy bay được Liên Xô sản xuất khi bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước sau thế chiến thứ 2. Năm 1947, chiếc Antonov An-2 đầu tiên xuất xưởng. Ngay cả tại thời điểm đó, nó đã mang đường nét của một loại máy bay lạc hậu. Ngành công nghệ hàng không bấy giờ đã bước vào kỷ nguyên của động cơ phản lực.
Tuy nhiên, An-2 dường như đã làm nên một điều không tưởng. Nó vẫn tiếp tục được sản xuất vào những năm 2000, kéo dài thời gian phục vụ tới gần 70 năm sau khi ra đời. Lí do có thể đến từ một thuộc tính rất đặc biệt trong thiết kế của An-2. Không phải là khả năng cất và hạ cánh với đường băng ngắn mà là một điều không tưởng khác: Về cơ bản, nó có thể bay lùi.
Tại Liên Xô, An-2 được thiết kế để phục vụ Bộ Lâm nghiệp. Nó được sử dụng làm phương tiện vận chuyển và phun các chế phẩm nông nghiệp từ trên không. Oleg Antonov là cha để của những chiếc An-2. Ông thiết kế nó với một động cơ cánh quạt và hệ cánh kép hai tầng, một buồng lái kín và phần thân máy bay đủ chỗ cho 12 hành khách hoặc 1 tấn hàng hóa. Để sử dụng trong mục đích nông và lâm nghiệp, nó phải có khả năng cất cánh từ các đường băng là các con đường đất ở bìa rừng. Những con đường phổ biến ở các vùng thưa dân cư và hoang vu của Liên Xô thời đó.
Tính đến năm 1991, hơn 19.000 chiếc An-2 đã được sản xuất ở Liên Xô và sau đó là Ba Lan. Hàng ngàn chiếc khác được ra đời ở Trung Quốc với tên gọi Shijiazhuang Y-5, và cho tới nay, thỉnh thoảng vẫn có một chiếc Shijiazhuang Y-5 ra đời ở đây.
Một chiếc Shijiazhuang Y-5 của Trung Quốc
Cực kỳ ầm ĩ
“Lí do mà những chiếc An-2 vẫn còn tiếp tục phục vụ đó là không có chiếc máy bay nào có thể thay thế nó”, chuyên gia hàng không Bernie Leighton, người từng lái An-2 tại Belarus nói. “Nếu bạn cần một chiếc máy bay có thể chở theo 10 binh sĩ, người hoặc dê mà lại có thể cất cánh từ bất kỳ điều kiện đường băng nào, đó chỉ có thể là An-2 hoặc một chiếc trực thăng”.
“Bay trên một chiếc An-2 không giống bất kể một chiếc máy bay nào khác trong thời hiện đại. Đầu tiên, đó là một máy bay loại đuôi dốc và thấp. Vì vậy, khi mới bước vào buồng lái từ mặt đất, mọi thứ sẽ nghiêng về phía sau. Khi cất cánh bạn có thể cảm nhận được đường băng bởi ngồi trên nó rất sóc. Một điều phải nhớ rằng, An-2 không được thiết kế để chở khách. Dĩ nhiên là An-2 rất ồn”, Leighton nói.
Thiết kế cổ điển của An-2 với cánh hai tầng tạo ra rất nhiều lực nâng. Điều đó có nghĩa là bạn có thể cất cánh trên một đường băng rất ngắn. Lực nâng mà hệ cánh hai tầng tạo ra cho phép An-2 có thể duy trì một tốc độ chậm, tối thiểu đến 40km/h mà phi công vẫn có thể kiểm soát nó.
Điều này làm cho An-2 rất phổ biến trong các nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù. Các phi công khi bay trình diễn với An-2 đặc biệt ưu chuộng kỹ thuật khiến chiếc máy bay lơ lửng trên không một chỗ. Để thực hiện được điều này, họ phải đưa máy bay vào một luồng gió và nếu gió đủ mạnh, máy bay có thể di chuyển lùi về phía sau rất chậm. Dĩ nhiên, phi công phải kiểm soát toàn bộ quá trình một cách chặt chẽ.
Thiết kế đặc biệt
Bill Leary là người điều hành bay của câu lạc bộ An-2 tại Anh và ông đã từng bay với một chiếc An-2 cũ của Hungari trong 14 năm. Ông chia sẻ chìa khóa để cho chiếc An-2 có thể lơ lửng một chỗ thậm chí bay lùi nằm trên bề mặt cánh. Phía trước cánh có một bộ phận gọi là thanh mép. Chúng thường hoạt động khi máy bay hạ cánh, làm nhiệm vụ tăng sức cản của gió và hãm tốc độ. Một bộ phận tương tự ở phía sau nhưng làm nhiệm vụ ngược lại, tăng lực nâng cho máy bay.
Trên một chiếc An-2, những chiếc cánh tà được đặt dọc theo chiều dài mặt sau của hai cánh thấp và những cánh tà lớn hơn ở hai cánh trên. Điều này đem lại lực nâng lớn cho máy bay khiến nó có thể giữ một tốc độ chậm.
Cánh tà phía sau của một chiếc An-2
“Nếu bạn có một cơn gió đủ mạnh, khoảng 15-20 hải lý, bạn có thể khiến chiếc máy bay lơ lửng một chỗ”, Leary nói. “Bạn hạ tất cả các cánh tà xuống và bật thanh mép ở mặt trước của cánh. Đón một cơn gió với góc máy bay vào khoảng 40 độ, bạn sẽ có thể giữ chiếc máy bay lơ lửng một chỗ”.
Leary nói rằng sẽ rất thú vị khi bay trên một chiếc An-2, tuy nhiên phải rất tập trung. Nó rất nhạy cảm với những chuyển động của các bộ phận điều khiển. Điều khiển một chiếc An-2 cũng đòi hỏi một tình trạng thể chất tuyệt vời. Nó không có hệ thống máy tính như một chiếc Boeing và thậm chí không có hệ điều khiển thủy lực.
Cuối cùng, Leighton bàn về độ an toàn của những chiếc An-2. “Nó chỉ giết bạn khi bạn làm điều gì đó thực sự ngu ngốc trong buồng lái. Nếu An-2 bị hỏng động cơ, bạn cũng không phải thực sự lo lắng để tìm một nơi hạ cánh phù hợp. Đây không phải một chiếc máy bay đem đến sự thoải mái nhưng nó cực kỳ an toàn”.
Nói tóm lại, một chiếc An-2 với bề ngoài rất khiêm tốn vẫn mang trong mình những khả năng đặc biệt: cất cánh và hạ cánh trong một khoảng không gian hẹp, bay với tốc độ thấp, tránh sự phát hiện của radar, cực kỳ an toàn và thậm chí bay lùi trong những điều kiện đặc biệt. Tất cả những điều đó đã khiến An-2 vẫn tồn tại và phục vụ cho đến tận ngày hôm nay.