Rockwell Collins dùng công nghệ thực tế ảo huấn luyện bảo trì, bảo dưỡng điện tử hàng không

Thứ tư, 20/01/2016 10:28 GMT+7

Rockwell Collins - hãng sản xuất hệ thống điện tử hàng không hàng đầu thế giới đang bắt đầu khai thác công nghệ thực tế ảo để loại bỏ vấn đề về khoảng cách cũng như giảm thiểu chi phí cho các chương trình huấn luyện và làm quen với công tác bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO) máy bay.

 
Theo tầm nhìn của Rockwell Collins, từ 4 đến 5 năm nữa, các kỹ sư bảo trì sẽ có thể báo cáo về tình trạng công việc từ một căn phòng có tên "holodesk" với giáo viên hướng dẫn tại mọi nơi trên thế giới. Kèm theo đó, một chiếc máy bay ảo cùng với môi trường nhà chứa máy bay được đồ họa bằng máy tính sẽ mô phỏng các công cụ và trang thiết bị thử nghiệm.
 
Aviation Week đã có cơ hội thử nghiệm nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống được gọi là holodesk này kèm với một chiếc kính 3D tại hội nghị mô phỏng môi trường bay diễn ra ở Orlando hồi tháng 12 năm ngoái. Tác vụ được thực hiện bao gồm phân tích lỗi của một hệ thống điện tử hàng không thông qua các màn hình trong buồng lái mô phỏng Pro Line Fusion và thay thế ảo một hộp điện tử bị hỏng từ một chiếc máy bay Beechcraft King Air. Công nghệ này giúp các nhà điều hành duy trì hoạt động của máy bay thay vì chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện đồng thời cho phép các giáo viên hướng dẫn có thể ngồi tại chỗ quan sát học sinh của mình tại mọi nơi trên thế giới.
 
Rockwell Collins hiện đã hợp tác với công ty phát triển phần mềm thực tế ảo WorldViz có trụ sở ở Santa Barbara, California để phát triển dự án huấn luyện bảo trì máy bay ảo. WorldViz cũng chính là đối tác cung cấp các công cụ thực tế ảo mà Rockwell Collins sử dụng trong các nhà máy sản xuất của mình trong suốt 8 năm qua. Steve Kennell - giám đốc truyền thông và các giải pháp huấn luyện tại Rockwell Collins cho biết: "Khi chúng tôi chế tạo một chiếc hộp, chúng tôi sẽ dùng tất cả các bản vẽ máy tính và chế tạo một nguyên mẫu trong một không gian ảo, sau đó các nhà điều hành nhà máy sẽ có thể kiểm tra liệu nó có đáp ứng được các tiêu chuẩn để chế tạo hay không. Chúng tôi đã tiết kiệm được hàng triệu đô nhờ quy trình này và giờ đây chúng tôi mở rộng sử dụng trong nhiều tình huống khác, chẳng hạn như huấn luyện."
 
 
Công nghệ ảo cũng giúp loại bỏ khả năng mất lợi nhuận do sử dụng máy bay cho công tác huấn luyện và giáo viên ảo cũng giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực do các giáo viên điện tử hàng không thường phải bay đến nhiều nơi trên thế giới để thực hiện công tác giảng dạy. Với holodesk, Kennell cho biết các giáo viên có thể ở tại chỗ và tương tác với nhiều học sinh trong ngày.
 
Ông nói: "Hoạt động huấn luyện ngày nay được thực hiện bằng cách đưa một học sinh và một giáo viên đến khu vực huấn luyện, thiết lập một tình huống và họ sẽ cùng nhau gỡ rối với trang thiết bị thử nghiệm thực tế. Cách làm này rất đắt đỏ và khâu chuẩn bị cũng rất phức tạp, không ai muốn sử dụng một chiếc máy bay đang trong lịch hoạt động làm thiết bị huấn luyện bảo trì." Thêm vào đó, Kennell cho biết các thiết bị thử nghiệm cũng thường xuyên bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển và nhiều khi không sử dụng được khi đến nơi. "Trong thế giới ảo, một khi thiết bị thử nghiệm hoạt động thì nó sẽ luôn hoạt động như vậy," ông nhấn mạnh.
 
Nguyên mẫu của holodesk tại Orlando sử dụng chiếc kính thực tế ảo Oculus Rift DK2 3D và thiết bị nhập liệu đầu vào dưới dạng một chiếc gậy điều khiển của WorldViz. Cả 2 đều được trang bị các đèn LED hồng ngoại có thể được theo dõi bởi 4 camera đặt tại các góc cao quanh căn phòng holodesk với diện tích 3,6 x 3,6 m, cao 2,4 m. Theo mô tả của Aviation Week, chiếc kính DK2 mang lại trải nghiệm thoải mái ngay cả khi người này đang đeo mắt kính và chuyển động được đồng bộ nhịp nhàng giữa khung cảnh ảo và chuyển động đầu:
 
"Theo kịch bản, tôi được ngồi trên ghế phi công của chiếc King Air đang đậu trong hangar, cần lưu ý là tôi có thể xoay xung quanh và nhìn thấy các ghế phía sau, 2 cánh máy bay 2 bên và có thể di chuyển đầu thông qua các vách ngăn và nhìn thấy khung cảnh ngoài cabin. Với chỉ dẫn bằng giọng nói thông qua tai nghe, tôi sử dụng một chiếc gậy điều khiển để bật các màn hình lên cũng như tìm kiếm một lỗi với một chiếc hộp điện tử hàng không lắp trong khoang ngoài tại mũi máy bay. Tiếp theo, tôi ra khỏi máy bay và sử dụng gậy điều khiển để mở một cánh cửa, gỡ chiếc hộp đó ra và đặt lên khay"
 
Mặc dù thiết bị của WorldViz không cho phép học sinh sử dụng các ngón tay để thao tác theo thủ tục thực tế nhưng thao tác "chỉ và nhấp chọn" này lại có thể dễ dàng làm quen sau vài lần sử dụng. Những cải tiến về công nghệ sau này có thể sẽ mở ra một loại găng tay tương tác thực tế ảo nhưng giới chuyên môn lại e ngại rằng nếu học sinh sinh nắm vào một chiếc nút ảo, không tồn tại thực tế thì kiểu thao tác này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh ảo được đồ họa.
 
Kennell cho biết bước tiếp theo, Rockwell Collins sẽ tăng số lượng tình huống, cải tiến giao tiếp giữa người và máy đồng thời tích hợp một hệ thống quản lý huấn luyện tổng thể vào holodesk. Hệ thống quản lý này có thể theo dõi quá trình học tập của học sinh và cho biết khi nào học sinh cần được đào tại lại, đào tào mới hoặc đủ điều kiện hoàn tất khóa học.
 
Theo Aviation Week​, Tinhte
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)