Cần lộ trình cứu môi trường ở Hà Nội

Thứ sáu, 29/07/2016 10:40 GMT+7

Trên địa bàn thành phố, việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng của các phương tiện giao thông nên chỉ tiêu Benzen có xu hướng tăng dần qua các năm. Quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Hà Nội đánh giá, chất lượng môi trường không khí của thành phố đã có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là trong khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng... Ở một số nơi, tại một số thời điểm, nồng độ ô nhiễm bụi đã vượt giới hạn cho phép.

1

Phương tiện cá nhân “góp phần” làm ô nhiễm không khí Hà Nội

Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố đạt mức trung bình cho cả những tháng mùa mưa cũng như những tháng mùa khô. Riêng chỉ tiêu Benzen có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng phương tiện giao thông. Dù đã đầu tư kiểm soát môi trường, nhưng TP vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: chỉ tiêu Benzen trong không khí tăng do phương tiện cá nhân tăng cao, tình trạng ô nhiễm nước mặt tại các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, các bãi chôn lấp rác thải rắn sắp bị lấp đầy...

Theo các chuyên gia về môi trường đến từ Đức thì, bụi chiếm lượng lớn trong số chất ô nhiễm ở Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu được cho là sự gia tăng các nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông và các trang thiết bị phát thải khí vào bầu khí quyển. Đặc biệt, số lượng xe máy ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng gia tăng quá nhanh.

Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có 6 trạm quan trắc không khí cố định, trong đó có 4 trạm do Trung ương quản lý (2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý, 2 trạm do Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia quản lý), 2 trạm do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, nhưng đến nay chỉ còn 2 trạm quan trắc do Trung ương quản lý là còn hoạt động (Trạm tại 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên và Trạm tại số 8 Pháo Đài Láng, Quận Đống Đa). Hà Nội cũng đã đầu tư xe quan trắc không khí lưu động và trạm quan trắc nước thải tự động và đang làm các thủ tục tiếp nhận 20 trạm quan trắc không khí tự động cố định do Chính phủ Pháp tài trợ gồm: 2 trạm quan trắc môi trường nền, 9 trạm quan trắc tại các điểm nút giao thông có mật độ giao thông lớn và 9 trạm đặt tại các khu đô thị tập trung đông dân cư...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã đề nghị các chuyên gia Đức nghiên cứu để có đánh giá sát với thực tiễn, đưa ra các số liệu cụ thể về hiện trạng môi trường thành phố, đồng thời đề xuất các giải pháp và đặt hàng chuyên gia Đức giới thiệu những thiết bị quan trắc môi trường hiện đại nhất, thế hệ mới nhất thế giới để xây dựng các trạm quan trắc cố định và tự động trên địa bàn thành phố. Dự kiến trong tháng 7, TP. Hà Nội sẽ có cuộc hội thảo để nghe các chuyên gia Đức báo cáo kết quả nghiên cứu và đưa ra những đề xuất cho công tác quan trắc môi trường của thủ đô.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường như: trồng 1 triệu cây xanh, làm hồ điều hòa, cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường. Cùng với đó, thành phố cũng sẽ đưa ra lộ trình giảm phương tiện cá nhân trong khu vực nội đô.

Nguồn: baobaovephapluat.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)