Đánh giá kết quả thực hiện khai thác tuyến vận tải pha sông biển và mở rộng phạm vi hoạt động cho tàu biển hạn chế III

Thứ tư, 01/03/2017 15:58 GMT+7

Chiều 1/3/2017, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp Đánh giá kết quả thực hiện chủ trương khai thác tuyến vận tải pha sông biển và mở rộng phạm vi hoạt động cho tàu biển hạn chế III.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu các Vụ, Cục xây dựng,
hoàn thiện văn bản để ban hành các quy định cho phù hợp

Theo báo cáo của Cục Hàng hải VN sau hơn 02 năm hoạt động, tuyến vận tải ven biển đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc vận tải hàng hóa, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, đặc biệt trong thời gian qua Bộ GTVT đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kể cả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ để phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, do đó phương tiện VR-SB đã và đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển.

Theo thống kê của các Cảng vụ hàng hải, hàng hóa được các phương tiện VR-SB vận chuyển thông qua cảng biển trong năm 2016 đạt gần 12 triệu tấn, trong đó khoảng gần 8 triệu tấn hàng được vận chuyển từ cảng biển đến, rời cảng biển và ngược lại; với trên 13 nghìn lượt phương tiện thông qua. Nhìn chung, số lượt phương tiện và hàng hóa được vận chuyển từ cảng biển đến, rời cảng biển chiếm khoảng 2/3 so với tổng số phương tiện VR-SB hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến.

Nhưng bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay đội phương tiện VR-SB có khoảng trên 1.000 chiếc và đã có tàu trọng tải trên 20.000 tấn (so với trong vòng 2 năm từ lúc mở tuyến chưa có phương tiện VR-SB nào chính thức được đưa vào vận chuyển hàng hóa trên tuyến), điều này cho thấy việc đầu tư phát triển đối với phương tiện VR-SB hiện nay là rất nóng, trong khi chất lượng thuyền viên làm việc trên phương tiện chưa đáp ứng kịp, chất lượng cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp và đòi hỏi về an toàn của phương tiện chưa đảm bảo, hơn nữa với việc phát triển nóng đã dẫn tới việc cạnh tranh nhau gay gắt để có hàng hóa vận chuyển đã tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không chỉ về mất an toàn hàng hải mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cơ cấu đội tàu biển vận tải nội địa. Mặt khác, cỡ phương tiện VR-SB hiện nay đang phát triển vượt quá quy hoạch phát triển vận tải pha sông biển đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành tại Quyết định số 4291/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2013 về phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải pha sông biển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

 Về tai nạn sự cố: Kể từ khi triển khai tuyến vận tải ven biển đến nay đã xảy ra 10 vụ tai nạn. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn này là do sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng của thời tiết xấu, thuyền viên chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống trên biển, hoạt động không đúng tuyến luồng được công bố... Tuy nhiên, khi các phương tiện VR-SB gặp tai nạn, sự cố trên biển đã được các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan và các Cảng vụ hàng hải chỉ đạo ứng cứu, hỗ trợ kịp thời nên không có thiệt hại về người.

Theo quy định hiện hành, các phương tiện VR-SB không phải trang bị thiết bị AIS, EPIRB, do đó các cơ quan quản lý chưa quản lý, kiểm tra, giám sát được hành trình trên tuyến của phương tiện, đặc biệt khi phương tiện gặp tai nạn, sự cố gây ra nhiều khó khăn cho công tác xác định cụ thể vị trí tai nạn để tiến hành ứng cứu kịp thời. Kết cấu thân vỏ của phương tiện VR-SB mỏng, mạn khô của phương tiện thấp, do vậy tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn khi tàu đang hành trình trên biển khi gặp thời tiết xấu. Cùng với đó lực lượng thuyền viên làm việc trên phương tiện này đang rất thiếu và yếu. Đồng thời, theo Cục Đăng kiểm VN, việc các tàu hạn chế II, III hoạt động cách xa bờ quá nhiều cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ô nhiễm môi trường, công tác TKCN sẽ rất khó khăn…

Sau khi nghe Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN và Cục Đăng kiểm VN báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá, tuy chưa được như kỳ vọng, nhưng hoạt động của tuyến vận tải ven biển đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc vận tải hàng hóa, giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Tuy nhiên trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu các Vụ, Cục xây dựng, hoàn thiện văn bản để ban hành các quy định về tổ chức đào tạo huấn luyện, bằng cấp của thuyền viên, các quy định về định biên an toàn tối thiểu, quy định về hành trình…, Cục Đường thủy nội địa hoàn thiện Cơ sở phần mềm dữ liệu để kết nối đồng bộ với Cục Hàng hải VN và Cục Đăng kiểm VN.  “Trước mắt, các tàu tham gia hoạt động của tuyến vận tải ven biển phải lắp đặt thiết bị AIS trong năm 2017, để cơ quan quản lý có thể giám sát được hành trình của các tàu khi hoạt động”, Thứ trưởng yêu cầu.

H.N

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)