Thiết kế gọn nhẹ, vận hành thuận tiện
Giới thiệu về đề tài cấp Bộ GTVT “Nghiên cứu, cải tiến thiết kế, chế tạo và thử nghiệm xe cơ giới dùng cho công tác kiểm tra, tuần đường sắt”, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng Phan Tiến Dũng, chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện công tác tuần đường sắt vẫn thực hiện thủ công. Các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải bố trí các tổ tuần đường làm việc theo ban kíp, đi bộ dọc đường sắt để phát hiện những hư hỏng, sự cố về đường sắt và xử lý kịp thời hoặc báo cáo đơn vị khắc phục, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Tuy nhiên, việc thực hiện bằng thủ công khiến công nhân tuần đường rất vất vả, tốn nhiều sức do đi bộ trên cung đường dài, trong mọi điều kiện thời tiết. Vì vậy, nhằm đảm bảo công tác kiểm tra, tuần đường sắt liên tục, nhóm tác giả đề tài đã nghiên cứu, thử nghiệm phương tiện cơ giới dùng cho công nhân kiểm tra, tuần đường sắt. Tiêu chí đặt ra là xe tuần đường phải gọn nhẹ, thuận tiện trong vận hành.
Anh Đoàn Văn Thắng, công nhân tuần đường Cung đường Bắc Giang đang vận hành thử nghiệm xe tuần đường
Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm tác giả đã chế tạo thành công xe tuần đường và đang thử nghiệm vận hành tại hiện trường trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (thuộc phạm vi quản lý của Công ty CP Đường sắt Hà Lạng). Xe hoạt động theo nguyên lý: Động cơ hoạt động truyền lực tới hộp giảm tốc, thông qua bộ truyền xích truyền lực để bánh xe chủ động quay trên bề mặt của ray giúp xe di chuyển. Khi xe di chuyển thì 4 bánh sắt có tác dụng giữ cự ly để đảm bảo xe luôn chạy ổn định trên bề mặt của ray.
Ông Phan Tiến Dũng - Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng cho biết: "Nếu đề tài được nghiệm thu, ứng dụng rộng rãi trong công tác tuần đường chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để đưa ra vận hành chính thức, các cơ quan quản lý liên quan cần biên soạn biệt lệ cho công tác tuần đường sử dụng xe hỗ trợ tuần đường và sửa đổi quy trình tuần đường hiện nay”.
Ông Dũng cho biết thêm, xe sử dụng động cơ 2 kỳ, làm mát bằng không khí, công suất 0,81 kW, tốc độ vòng quay 6.000 v/phút. Độ dốc giới hạn khi vận hành i = 120/00. Bán kính đường cong nhỏ nhất R =110 m. Trọng lượng bản thân của xe 32kg, tải trọng mang theo 80kg.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, xe chạy ổn định qua các bộ ghi, đường cong bán kính nhỏ R=150 m; đường ngang lát tấm đan và các lối đi dân sinh. Khi vận hành xe không làm ảnh hưởng tới các thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt như: cảm biến từ, cảm biến đếm trục lắp đặt tại các đường ngang cảnh báo tự động, thiết bị đóng đường tự động...
Giảm cường độ lao động cho công nhân tuần đường
Trực tiếp vận hành thử xe tuần đường, anh Đoàn Văn Thắng, công nhân tuần đường Cung đường sắt Bắc Giang (Công ty CP Đường sắt Hà Lạng) cho biết, xe giúp ích rất nhiều cho trong công việc, nhất là giảm cường độ lao động, tránh mỏi mệt, vì thế cũng “nhanh mắt, nhanh tay” hơn trong phát hiện, xử lý các hư hỏng hay các sự cố phát sinh. “Có xe tuần đường, công nhân tuần đường chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều. Vì đi bộ dọc đường ray gần chục cây số, nắng nóng hay mưa đều rất mệt. Đi tuần bằng xe tuần đường, có tầm nhìn quan sát tốt, ánh đèn xe vào ban đêm sáng, xa đến 4 cầu ray nên dễ dàng quan sát hơn. Xe lại nhẹ, dễ dàng bê ra hay đặt lên ray khi có tàu qua”, anh Thắng nhận xét.
Nói đến tính hiệu quả thực tiễn của đề tài, ông Dũng khẳng định, khi sử dụng xe tuần đường, người tuần đường sẽ giảm được cường độ làm việc, nhất là khi đi tuần trong thời tiết nắng nóng hay mưa gió. Hơn nữa, không phải đi bộ, không phải để ý bước chân, như vậy sẽ tăng thời gian tập trung vào công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý sự cố và duy tu đường sắt. Mặt khác, sẽ giảm được số lượng ban tuần đường, đem lại hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, để có thể sử dụng trong thực tế, đề tài chế tạo xe tuần đường vẫn cần hoàn thiện một số nội dung. Đó là, tiếp tục nghiên cứu cải tiến để xe hỗ trợ công tác tuần đường nhẹ hơn; Nghiên cứu lắp cảm biến, kịp thời phát tín hiệu báo cho công nhân tuần đường đang ngồi trên xe biết tàu đang đến gần khi cách xe tuần ít nhất 800m; Tiếp tục nghiên cứu phát triển để xe tuần đường có thể kiểm tra được một số các thông số kỹ thuật đường và phát hiện được một số hư hỏng trên đường sắt; Tiếp tục nghiên cứu áp dụng loại động cơ đảm bảo xe có thể qua được các đoạn đường có độ dốc dọc lớn, giảm tiếng ồn khi vận hành, không gây ô nhiễm môi trường...
ĐSVN