Tháo các “nút thắt”
Báo cáo của Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường thay mặt UBND TPHCM cho biết, tình hình giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, ùn ứ giao thông diễn ra thường xuyên tại nhiều tuyến đường... Bên cạnh đó, ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa cao. Các cơ quan chức năng của thành phố đã triển khai kiểm soát 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông cao. Đến nay, 25 điểm đã có chuyển biến tốt, 2 điểm ít chuyển biến và 10 điểm giao thông vẫn phức tạp. Tốc độ lưu thông trung bình ở khu vực trung tâm thành phố (theo kết quả từ hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt) vào giờ cao điểm là: sáng 19km/giờ, giờ cao điểm chiều 18km/giờ, giờ thấp điểm 20,9km/giờ. Trong khi đó, hầu hết các tuyến đường của thành phố có thể đảm bảo kỹ thuật để lưu thông khoảng 50km/giờ.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu
tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM. Ảnh: Phan Tư
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết, trong bối cảnh đó, thành phố mong muốn Bộ GTVT hỗ trợ, cùng thành phố giải quyết một số nút thắt lớn về giao thông trong nội đô. “Nút thắt” thứ nhất là sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện nay, TPHCM đã và đang triển khai 22 dự án làm cầu vượt, mở rộng đường ở khu vực ngoài sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải giao thông ở đây. Tuy nhiên, dự án làm đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn ra đường Cộng Hòa chưa triển khai được do nằm gần khu vực sân bay và đất quốc phòng. UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT cùng UBND TPHCM đề nghị Bộ Quốc phòng nhanh chóng xem xét, hỗ trợ cho UBND TPHCM sớm triển khai dự án này. “Nút thắt” thứ hai: khu vực cảng Cát Lái. UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT tổ chức điều phối hàng hóa giữa các cảng biển trong vùng TPHCM để giảm tải cho khu vực này.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, Bộ GTVT ủng hộ và sẽ cùng thành phố có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng sớm xem xét, tạo điều kiện cho TPHCM làm đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn ra đường Cộng Hòa. Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, đã đến lúc phải dùng 2 chữ “giải cứu” để nói đến việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, bởi lẽ, dự kiến năm nay sân bay này sẽ đạt sản lượng 36 triệu lượt hành khách/năm. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nhanh chóng làm việc với các cơ quan liên quan triển khai làm hồ điều tiết nước trong sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng ngập nước trong sân bay.
Đối với đề xuất điều tiết luồng hàng hóa ra vào cảng Cát Lái, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định: Đây là đề nghị hợp lý. Hiện khu cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) được đầu tư bài bản, luồng tàu sâu... nhưng chưa khai thác hết công suất. Nếu điều tiết được luồng hàng ra đó, không những TPHCM giảm tải được cho hệ thống giao thông mà còn giúp khu cảng này phát triển.
“Nút thắt” thứ ba liên quan đến vận tải. TPHCM kiến nghị Bộ GTVT ủng hộ, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, cho phép thành phố tạm dừng cấp phù hiệu kinh doanh vận tải đối với ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống theo hợp đồng cho đến khi thành phố ban hành Quy hoạch phương tiện giao thông và hệ thống đường bộ được đầu tư, phát triển phù hợp với sự phát triển của phương tiện xe cơ giới. Theo Sở GTVT TPHCM, hiện TPHCM có gần 8 triệu phương tiện giao thông và hệ thống đường đã quá tải trầm trọng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Đông cho rằng, việc này thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM.
Với đề xuất nâng cao đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng để xóa bỏ các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội đô, Bộ GTVT cho biết, hiện chưa cân đối được nguồn vốn thực hiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã chuyển dần hoạt động duy tu, bảo dưỡng đầu máy xe lửa ra ga Bình Triệu và hiện gần như chỉ còn đoàn tàu chở khách đi vào Hòa Hưng. Việc này cũng đã làm giảm tới khoảng 50% lượt tàu đi vào nội đô thành phố.
Thu hút đầu tư vào hệ thống hạ tầng của thành phố
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ, TPHCM hiểu rằng, muốn phát triển phải gắn kết với các địa phương trong vùng. Hiện có khoảng 13 triệu người sinh sống tại TPHCM. TPHCM bị quá tải không chỉ hệ thống hạ tầng giao thông mà còn cả hệ thống hạ tầng xã hội. Chính vì vậy, TPHCM đề nghị Bộ GTVT cùng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến đường giao thông kết nối TPHCM với các địa phương. Vừa qua, căn cứ vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng TPHCM và vùng ĐBSCL, TPHCM đã chủ động mời các tỉnh, TP Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ bàn việc thực hiện tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Nếu người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thể đến làm việc ở TPHCM vào buổi sáng và chiều về nhà bằng đường sắt thì TPHCM sẽ bớt bị quá tải.
Cũng trên tinh thần này, TPHCM đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường Vành đai 2 và Vành đai 3, đặc biệt các tuyến đường cao tốc nối TPHCM đi các tỉnh. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, Bộ GTVT “cần gì” để giải các nút thắt giao thông, TPHCM sẵn sàng làm.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh nợ công tăng cao, rất khó thu hút vốn đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nếu có dự án tốt, vẫn có nhà đầu tư quan tâm. Dự án làm đường sắt kết nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL là dự án tốt. Bộ GTVT sẽ quan tâm tìm nguồn lực thực hiện. Về phía TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông báo, giữa tháng 8-2017, TPHCM sẽ tổ chức hội nghị thu hút đầu tư vào hệ thống hạ tầng của thành phố.