Bão số 2 làm nhiều cây to trên đường Đinh Bạt Tụy, TP Vinh đổ ngã chắn ngang đường
Cơn bão số 2 đổ bộ với cường độ lớn vào các tỉnh Bắc miền Trung đã gây nhiều thiệt hại cho người dân, hệ thống cơ sở giao thông bị hư hại lớn. Các địa phương, cơ quan ngành GTVT đã và đang nỗ lực cứu người, thông đường, đảm bảo ATGT trong mưa lũ.
Thứ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo cứu hộ tàu bị chìm
Sáng 17/7, bất chấp mưa bão hoành hành dữ dội, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, Cục Hàng hải VN, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An đã có mặt tại hiện trường tàu VTB-26 chở than từ Quảng Ninh ra Cửa Lò bị chìm trên vùng biển Nghệ An để chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn.
Thời điểm bị chìm, trên tàu VTB-26 có 13 người. Lực lượng chức năng đã điều 14 tàu thuyền đến vị trí tàu chìm. Nhiều tàu cá, tàu vận tải biển đang hoạt động trong khu vực cũng tham gia tìm kiếm. Hai tổ thợ lặn túc trực ở khu vực tàu chìm, chờ điều kiện thuận lợi sẽ lặn vào bên trong tàu tìm kiếm người mất tích.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các lực lượng phải huy động tối đa phương tiện tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích; đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các bệnh viện tập trung chăm sóc, chữa trị các thuyền viên đã tìm thấy sớm bình phục. Thứ trưởng cũng lưu ý, lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải khai thác triệt để thông tin từ các thuyền viên còn sống để mở rộng vùng tìm kiếm những người còn mất tích. Đến tối 17/7, đã cứu sống được 7 thuyền viên trên chiếc tàu VTB-26, vớt được 3 thi thể trôi dạt trên biển ở khu vực gần Đảo Ngư và vẫn còn 3 thuyền viên mất tích.
Thuyền trưởng Phạm Văn Hải (SN 1985, quê Ninh Bình) may mắn sống sót kể, giữa đêm 16/7, khi tàu đang neo đậu tránh bão ở gần đảo Ngư, thì bạt phủ trên boong tàu bị rách, tàu nghiêng lắc mạnh. Thấy tình hình bất ổn, thuyền trưởng Hải đã phát tín hiệu cứu nạn, nhấn nút báo động để anh em tập trung lên khoang lái. Sau đó không lâu, tàu bị nghiêng mạnh, nước tràn vào boong tàu, anh Hải và một số thuyền viên kịp nhảy khỏi tàu trước khi lật úp. Anh Hải cũng không rõ có bao nhiêu thuyền viên đã rời tàu.
Đến 22h30 đêm qua, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục công tác cứu hộ, cứu nạn thuyền viên tàu VTB-26. Các tàu cá của ngư dân tham gia tìm kiếm đã trở về đất liền. Tàu cứu nạn của Cảnh sát biển, SAR, tàu hàng, tàu biên phòng Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ nỗ lực xuyên đêm tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn
thuyền viên tàu VTB-26 bị chìm do mưa bão
Không để giao thông bị tê liệt
Do ảnh hưởng của bão số 2, nhiều đoạn tuyến đường ở vùng núi Thanh Hóa bị hư hỏng, ách tắc giao thông cục bộ. Cụ thể, QL47 sạt lở ta luy dương Km 105+500 khối lượng 950m3; QL217 sạt lở 550m3 ta luy dương Km 165+450, sạt lở ta luy âm tại Km 159+800, Km 163+750 và lún sụt mặt đường Km 174+300 với chiều dài khoảng 70m có vết nứt rộng khoảng 30cm; QL217 đoạn từ Km 31+150 - Km 54+200; đoạn từ Km 31+150 - Km 54+200 bị hư hỏng, xói trôi mặt đường… Tại QL47C, khoảng 2.700m2 đường bị hư hỏng, sình lún nền mặt đường. Tại QL15, do mưa lớn tràn Làng Măng Km 94+300 nước dâng cao khoảng 1,5m, tràn Làng Kế Km 69+400 nước dâng cao khoảng 1,7. Các tuyến Tỉnh lộ: 521B, 521C, 521E, 516C, 519B và 530, nước dâng cao làm ngập và cây cối đổ xuống cũng đã gây ách tắc giao thông.
Ông Hoàng Văn Trung, Phó phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết, thời điểm xảy ra sạt lở, Sở đã chỉ đạo các đơn vị nhà thầu tăng cường giám sát. Đối với sạt lở ta luy dương thì bố trí người dùng phương tiện di dời các phần sạt lở ra khỏi phần đường. Ta luy âm thì bố trí người cảnh giới và dùng các biện pháp khắc phục đảm bảo ATGT. Tính đến thời điểm hiện tại, những điểm nói trên đã cơ bản thông xe.
Tại Nghệ An, tính đến 17h ngày 17/7, trên địa bàn toàn tỉnh có 17 đoạn đường bị hư hỏng kết cấu hạ tầng, sạt lở taluy dương và ngập nước, trong đó QL48 có 5 điểm; QL16 có 7 điểm; QL48E có 2 điểm; tỉnh lộ 532 có 4 điểm; tỉnh lộ 544 có 2 điểm. Bão số 2 đã gây mưa to, gió giật mạnh khiến nhiều tuyến đường bị ngập nước, hàng nghìn cây xanh đổ ra đường gây ách tắc giao thông cục bộ. Mưa bão khiến QL1 cũng bị chia cắt gián đoạn vì cây đổ, cột điện đổ tràn ra đường.
Trực tiếp đi phân luồng đảm bảo giao thông trắng đêm 16/7, Thiếu tá Đặng Văn Cường, Trạm trưởng Trạm CSGT Diễn Châu, Phòng CSGT tỉnh Nghệ An cho biết, có khoảng 40 - 50 điểm cây xanh, biển quảng cáo, cột điện đổ gãy xuống QL1. Ngay khi phát hiện sự việc, lãnh đạo trạm cùng 13 cán bộ, chiến sỹ đang ứng trực lập tức mang trang thiết bị thiết yếu lên đường đi làm công tác đảm bảo giao thông.
“Đến 6h sáng, QL1 đã cơ bản thông suốt. Hiện, anh em vẫn tiếp tục tham gia khắc phục hậu quả của cơn bão cùng nhân dân”, Thiếu tá Cường cho biết.
Tại Quảng Bình, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết, bão số 2 đã làm một số điểm trên QL9B bị sạt lở nhẹ; QL15 đoạn qua thị trấn Đồng Lê và đường tỉnh 559B bị ngập cục bộ. 9 tàu biển neo đậu tránh trú bão ở khu vực cảng Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch bị đứt dây neo, trong đó 2 tàu đã bị nhấn chìm, 7 tàu bị trôi dạt và mắc cạn.
“Ngoài ra, còn có 43 tàu đánh cá của ngư dân địa phương và ngư dân các tỉnh khác neo đậu ở khu vực xã Quảng Đông bị sóng lớn đánh chìm hoặc hư hỏng”, ông Hải thông tin.