Ông Phạm Duy Ninh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (đơn vị chủ trì) cho biết, hiện nay, có nhiều ứng dụng, phần mềm của các đơn vị thuộc Bộ GTVT đang sử dụng bản đồ số từ nhiều nguồn khác nhau; đường bộ có 2 hệ thống bản đồ khác nhau (gồm hệ thống bản đồ dùng trong dự án quản lý của VBMS Online và hệ thống bản đồ dùng trong Trung tâm dữ liệu thiết bị GSHT, quản lý tuyến cổ định; hệ thống bản đồ dùng trong hệ thống quản lý mặt đường PMS); đường thủy nội địa đang dùng hệ thống bản đồ của GoogleMaps trong quản lý kết cấu hạ tầng GTVT đường thủy, theo dõi phương tiện vận tải.
Đối với lĩnh vực đường sắt, hiện chưa có ứng dụng sử dụng bản đồ số; hàng không có hệ thống bản đồ dùng trong ứng dụng chuyên ngành Hàng không, chưa có hệ thống bản đồ số dùng trong quản lý; hàng hải có hệ thống bản đồ dùng trong ứng dụng chuyên ngành Hàng hải (hệ thống ENC, LRIT, VTS, AIS...được cung cấp theo hãng bán sản phẩm), chưa có hệ thống bản đồ số dùng trong quản lý. Ngoài ra, một số đơn vị khác thuộc Bộ cũng đang sử dụng các bản đồ khác nhau trong các ứng dụng, phần mềm của đơn vị.
Giải pháp tổng thể quản lý GTVT trên bản đồ số
Theo Giám đốc Phạm Duy Ninh, hiện nay nhu cầu ứng dụng bản đồ số trong ngành GTVT là rất lớn, tuy nhiên do chưa có bản đồ thống nhất có tính pháp lý nên các đơn vị của Bộ vẫn đang sử dụng các bản đồ khác nhau ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp thông tin cũng như chưa có khả năng tích hợp, tổng hợp các thông tin trên một hệ thống bản đồ. Vì vậy, cần sớm xây dựng bản đồ số ngành GTVT sử dụng chung cho toàn ngành và chia sẻ với các Bộ ngành khác.
Về hiện trạng bản đồ số giao thông, hiên nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng bản đồ nền phủ trùm toàn quốc tỷ lệ 1:50.000. Bộ Quốc phòng đã xây dụng bản đồ nền phủ trùm toàn quốc tỷ lệ 1:50.000 và đang xây dụng bản đô tỷ lệ 1:25.000. Các đơn vị khác có rất nhiều đơn vị tại Việt Nam xây dựng bản đồ, trong đó có ứng dụng về giao thông như: Hanel - Vietbando, iMap, VietMap...
Về định hướng xây dựng bản đồ số ngành GTVT, hệ thống bản đồ số có 4 thành phần chính về hạ tầng kỹ thuật; dữ liệu; công nghệ nền bản đồ và công nghệ khai thác bản đồ; cơ chế, chính sách. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ bản đồ sẽ cần kinh phí lớn, hơn nữa các công cụ khai thác (các API) phải được cập nhật cho phù hợp với phát triển của công nghệ bản đồ và đáp úng nhu cầu khai thác dữ liệu bản đổ ngày càng cao. Vì vậy, việc xây dựng, khai thác, bảo trì hệ thông bản đồ số ngành GTVT triển khai thực hiện theo hướng kết hợp với hình thức xã hội hóa, PPP...
Về nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo, Giám đốc Phạm Duy Ninh cho biết, sau khi có hợp tác xây dựng bản đồ số ngành GTVT, Trung tâm CNTT sẽ phối hợp với Tổng cục ĐBVN, các Cục quản lý chuyên ngành và Liên danh Hanel - Vietbando xây dựng CSDL KCHTGT, đây là CSDL nền tảng của ngành GTVT, được chia sẻ dùng chung không những trong ngành mà còn chia sẻ cho các Bộ ngành khác; ban hành quy chế cập nhật, khai thác bản đồ số ngành GTVT; triển khai sử dụng bản đồ số ngành GTVT thống nhất trong toàn ngành...
Sau khi nghe báo cáo của Trung tâm Công nghệ thông tin và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các cơ quan dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống bản đồ số ngành GTVT là rất cần thiết đối với ngành GTVT; Thứ trưởng lưu ý việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý phải rõ ràng, hệ thống bản đồ phải được sử dụng chung cho cả ngành; không chỉ phục vụ lĩnh vực đường bộ, mà sử dụng ở các lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa...
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát các cơ sở pháp lý liên quan; Trung tâm Công nghệ thông tin tham mưu trong việc sử sụng hệ thống bản đồ số ngành GTVT đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quy định quản lý nhà nước; đồng thời giao Trung tâm Công nghệ thông tin chủ trì xây dựng Đề án xây dựng hệ thống thông tin chung của ngành GTVT, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá và đưa ra lộ trình cụ thể.
Xuân Nguyên