Thâm Quyến, nơi đầu tiên 100% xe buýt chạy điện trên thế giới

Thứ ba, 18/12/2018 09:00 GMT+7

Toàn bộ 16.000 chiếc xe buýt ở Thâm Quyến, Trung Quốc, đã chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang dùng điện

Xe buýt điện tại trạm sạc chính ở quận Phúc Điền, Thâm Quyến. Ảnh: Guardian. 

Nếu có mặt ở một trạm dừng xe buýt tại quận trung tâm Phúc Điền của thành phố Thâm Quyến, người ta sẽ phải bất ngờ với sự thay đổi của phương tiện công cộng này. Vốn là những chiếc xe khổng lồ chạy bằng dầu diesel, chúng từng đánh dấu sự xuất hiện bằng tiếng xì rất lớn từ hệ thống phanh hơi và làn khói dày đặc ở phía sau.

Song tất cả những điều này giờ đã không còn nữa. Thâm Quyến trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có 100% xe buýt công cộng chạy bằng điện. Với tổng cộng 16.000 chiếc xe buýt như vậy, thành phố trở nên yên tĩnh hơn rất nhiều so với trước.

Hóa đơn nhiên liệu giảm một nửa

Ông Mã Chính Nguyên, phó tổng giám đốc Công ty Xe buýt Thâm Quyến, cho biết: "Chúng tôi thấy rằng những chiếc xe buýt hoạt động quá yên tĩnh và mọi người không thể nhận thấy nó đang đến. Trên thực tế, chúng tôi nhận được yêu cầu tạo tiếng ồn giả cho chiếc xe để mọi người có thể nghe thấy chúng".

Lợi ích của việc chuyển từ xe buýt diesel sang xe buýt điện không chỉ là giảm ô nhiễm tiếng ồn. Thâm Quyến, một làng chài nhỏ bé thuộc tỉnh Quảng Đông với 30.000 dân vào cuối những năm 70, trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc và bây giờ là siêu thành phố phát triển nhanh với 12 triệu dân. Chính quyền nơi đây đang nhắm đến mục tiêu cắt giảm 48% lượng khí thải CO2 và một số chất khác thuộc nhóm nitơ oxit, hydrocarbon không mêtan và bụi hạt nhỏ.

Công ty Xe buýt Thâm Quyến ước tính họ đã giảm tiêu thụ 160.000 tấn than và giảm phát thải 440.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm. Hóa đơn nhiên liệu của tập đoàn cũng giảm đi một nửa.

"Với những chiếc xe buýt diesel, tôi nhớ lại cảnh đứng ở trạm chờ xe trong cái nóng của mùa hè, tiếng ồn cùng làn khói của xe làm tôi không thể chịu nổi. Những chiếc xe buýt điện đã tạo ra sự khác biệt đáng kể", ông Mã nói.

Việc chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu giảm ô nhiễm khí thải ở các thành phố lớn đã kích thích sự đầu tư vào các phương tiện chạy điện. Mặc dù xe buýt điện vẫn là một phương tiện không hề rẻ - mỗi chiếc có giá 1,8 triệu nhân dân tệ (261.000 USD) - Thâm Quyến vẫn có thể thay thế toàn bộ xe buýt trong thành phố nhờ những khoản trợ cấp hào phóng từ cả chính quyền trung ương và địa phương.

"Thường thì hơn nửa giá chiếc xe được chính phủ hỗ trợ", ông Mã cho biết. "Về mặt vận hành cũng có trợ cấp khác: Cứ mỗi chiếc xe hoạt động hơn 60.000 km, chúng tôi sẽ được nhận gần 500.000 tệ (72.500 USD) từ chính quyền địa phương". Khoản trợ cấp này là để giảm giá vé xe buýt và chính quyền luôn coi phương tiện công cộng là một phần của phúc lợi xã hội.

Để tạo điều kiện cho những chiếc xe buýt điện hoạt động, chính quyền Thâm Quyến đã xây dựng khoảng 40.000 trạm sạc pin. Một trong những trạm sạc chính được đặt ở quận Phúc Điền và có thể cung cấp điện cho 20 chiếc xe buýt cùng lúc. Theo lời ông Mã, mỗi chiếc xe được sạc trong khoảng hai tiếng, đủ dùng cho 200 km đường trước khi đến lần sạc tiếp theo.

Khả năng xây dựng đồng bộ những trạm sạc trên khắp thành phố là một nhân tố quan trọng cản trở những thành phố khác trên thế giới theo đuổi mô hình xe buýt điện. Và mọi thứ cũng không dễ dàng hơn ở Thâm Quyến. Ông Mã cho biết bên cạnh những trạm sạc của riêng mình, công ty của ông cũng phải thuê một vài địa điểm của chính quyền địa phương cũng như những khu đất tư nhân.

Xây dựng hệ thống trạm sạc cho những chiếc taxi là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều. Đến cuối tháng 12, toàn bộ 22.000 chiếc xe taxi của thành phố Thâm Quyến sẽ phải chuyển sang dùng điện. Công ty Xe buýt Thâm Quyến cũng quản lý 4.600 chiếc taxi trong số này và tất cả đều đã được "điện khí hóa".

Ông Mã Chính Nguyên bên cạnh những chiếc xe buýt điện
của Thâm Quyến, được sản xuất bởi tập đoàn BYD. Ảnh: Guardian.

Tuy vậy, ông Mã cho biết đối với taxi thì quan trọng không phải là số lượng mà là việc phân bổ trạm sạc, vì taxi không đi theo một lộ trình nhất định như xe buýt.

"Chúng tôi đang tìm kiếm tất cả các giải pháp, từ việc đặt trạm sạc ở những địa điểm đỗ xe công cộng như công viên hay phía trước các cơ quan chính quyền, thậm chí là đi tìm những mảnh đất trống ở các ngôi làng mà chúng tôi có thể thuê", ông nói.

Việc thiếu hụt những trạm sạc cũng gây ra mâu thuẫn giữa các tài xế taxi. Ông Mã kể đã có những trường hợp tài xế taxi đánh nhau để tranh chỗ sạc cho chiếc xe của mình. Công ty của ông Mã đang phát triển một ứng dụng trên điện thoại thông minh để tài xế taxi có thể tìm chỗ trống ở các trạm sạc theo thời gian thực.

Quá đắt ở những nơi khác?

Hơn 30 thành phố của Trung Quốc đã lên kế hoạch sử dụng 100% phương tiện công cộng chạy điện vào năm 2020, trong đó có Quảng Châu, Chu Hải, Đông Quản, Phật Sơn và Trung Sơn ở khu vực đồng bằng Châu Giang, bên cạnh đó là một số nơi khác như Nam Kinh, Hàng Châu, Thiểm Tây và Sơn Đông.

Song kế hoạch trợ cấp phương tiện chạy điện của chính phủ cũng chỉ kéo dài đến hết năm 2020, và việc sử dụng xe buýt điện ở những nơi khác sẽ trở nên đắt đỏ.

Vấn đề địa lý cũng là nhân tố quan trọng, Thâm Quyến có địa hình khá bằng phẳng nhưng Hong Kong ngay cạnh đó có rất nhiều đồi núi và quãng đường xe buýt điện đi được trong một lần sạc sẽ ngắn hơn nhiều nếu phải leo dốc liên tục. Một số thành phố khác ở phía bắc Trung Quốc có mùa đông rất lạnh và đó cũng là một vấn đề với những chiếc xe buýt điện.

Trong khi đó một vài thành phố lớn ở phương Tây cũng đang tăng tốc sử dụng những chiếc buýt điện. London lên kế hoạch tất cả xe buýt một tầng ở thành phố sẽ hoàn toàn chạy điện vào năm 2020, còn tất cả những chiếc xe buýt 2 tầng biểu tượng sẽ sử dụng động cơ hybrid vào năm 2019. New York cũng hướng tới việc sử dụng 100% xe buýt chạy điện, nhưng mốc thời gian là tận 2040.

 

Nguồn: Tạp chí GTVT/Zing

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)