Xe đạp lọc khí, sáng tạo bảo vệ môi trường của học sinh

Thứ hai, 01/04/2019 09:51 GMT+7

Nhóm học sinh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Thăng Long (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị lọc khí gắn trên xe đạp rất tiện dụng.

Khi tham gia giao thông, nhận thấy không khí bị ô nhiễm, nhóm học sinh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Thăng Long (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị lọc khí gắn trên xe đạp rất tiện dụng và hữu ích trong việc bảo vệ môi trường.


Bộ phận lọc khí 3 lớp - 'trái tim' của hệ thống được gắn trên phần đầu chiếc xe đạp.

Sản phẩm của nhóm vừa đoạt giải nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ XI năm học 2018-2019 của tỉnh Lâm Đồng.

Trên chiếc xe đạp thể thao quen thuộc, em Trần Hoàng Phi Bảo (lớp 12 chuyên Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Thăng Long) dạo một vòng tuyến đường ngay trước cổng trường để tận hưởng luồng không khí sạch từ thiết bị gắn trên xe.

Với bộ thiết bị đặc biệt này, người đạp xe không cần khẩu trang, có thể vừa đi đường vừa hít thở không khí trong lành.

"Ngoài cung cấp cho chính người điều khiển xe đạp, thiết bị cũng góp phần lọc không khí cho môi trường. Nếu nhiều người đi xe có gắn hệ thống lọc khí thì một môi trường không có khói bụi, ô nhiễm là điều có thể thành hiện thực trong tương lai," Phi Bảo kỳ vọng.

Theo Bảo, tên gọi đầy đủ của công trình này là “Thiết bị lọc khí trên xe đạp khi tham gia giao thông” do em cùng hai bạn học sinh khác là Tăng Bảo Khánh (học cùng lớp) và Cao Thị Khánh Hòa (lớp 11 chuyên Lý) nghiên cứu, chế tạo.


Chiếc xe đạp được chạy thử nghiệm ngoài môi trường thực tế
và đạt kết quả lọc bụi đạt 86%, lọc được 63% khí NO2.

Về cấu trúc, hệ thống thiết bị lọc khí nhìn khá đơn giản và có thể chia thành 2 phần khác nhau gồm phần lọc khí và hệ thống cung cấp năng lượng cho thiết bị. Phần quan trọng là thiết bị lọc khí được gắn ngay trên ghi đông trước tay lái của chiếc xe. Đây là phần lọc bụi bẩn và cung cấp khí sạch trực tiếp cho người điều khiển.

"Tại 'trái tim' của hệ thống, chúng em dùng ba lớp lọc gồm bông gòn ở lớp đầu tiên để lọc hạt bụi lớn. Lớp thứ hai là loại vải thường dùng làm khẩu trang có thể lọc những hạt bụi nhỏ hơn cũng như kháng khuẩn. Lớp vải than hoạt tính sẽ có khả năng lọc được hầu hết các loại khí thải trong môi trường khi tham gia giao thông," em Tăng Bảo Khánh giới thiệu.

Phần tiếp theo là hệ thống 6 cánh quạt hai bên ở bánh xe trước kết nối với thiết bị Dynamo có sẵn trên xe đạp, nơi cung cấp nguồn điện cho hệ thống hoạt động.

Thiết bị cũng bao gồm 1 bộ ắc quy nhỏ giúp lưu giữ nguồn điện để hệ thống lọc khí hoạt động hiệu quả, ổn định hơn. Từ đây, điện sẽ cung cấp cho những cánh quạt gắn trong bộ lọc khí hoạt động, đẩy không khí “sạch” lên mặt của người sử dụng xe đạp.

Sau nhiều lần thử nghiệm và điều chỉnh trong suốt 6 tháng nghiên cứu, chế tạo, nhóm học sinh cùng giáo viên hướng dẫn đã nhờ Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng) tiến hành thử nghiệm thực tế tại một số khu vực có nhiều phương tiện giao thông đi lại trên thành phố Đà Lạt. Kết quả thử nghiệm rất khả quan với khả năng lọc bụi đạt 86%, lọc được 63% khí NO2.

Thầy Phạm Gia Sâm, Giáo viên bộ môn Vật lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Thăng Long cho biết đây là kết quả rất đáng tin cậy khi được cơ quan chuyên môn thử nghiệm nhiều lần tại nhiều địa điểm khác nhau có lưu lượng ôtô, xe máy dày đặc.

Theo các thành viên thực hiện đề tài, khi đã hoàn thành, cả nhóm sẽ tiếp tục cải tiến thiết bị cho nhỏ gọn và đẹp hơn. Nhóm sẽ nghiên cứu gắn với xe đạp điện nhằm ứng dụng rộng rãi vào thực tế, góp phần bảo vệ môi trường.

Em Cao Thị Khánh Hòa chia sẻ thiết bị này sử dụng các vật liệu tái chế, có sẵn trong cuộc sống nên chi phí chế tạo rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn cho một bộ hoàn chỉnh.

Nguồn: TTXVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)