Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc tại tỉnh An Giang

Thứ ba, 21/07/2009 08:16 GMT+7
Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Ban chỉ đạo 127 TW đã tới tỉnh An Giang, thị sát tại hai cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Khánh Bình kiểm tra công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vùng biên.
Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Ban chỉ đạo 127 TW đã tới tỉnh An Giang, thị sát tại hai cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên  và Khánh Bình kiểm tra công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vùng biên.
 
Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) và Khánh Bình (huyện An Phú) là 2 cửa khẩu chính của An Giang giao thương Campuchia, có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu không ngừng gia tăng qua các năm. Năm 2008, tổng kim ngạch XNK qua các cặp cửa khẩu tại An Giang đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 35,5% so với năm 2007. Mặt hàng xuất khẩu chính là sắt thép, phân bón, vật liệu xây dựng, bột giặt, hàng tiêu dùng... Hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên phụ liệu may mặc, phân bón, trái cây, tinh dầu xá xị,...
 
Tại đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp xem xét điều kiện cơ sở vật chất, tình hình hoạt động của các lực lượng chức năng hải quan, công an, bộ đội biên phòng tại cửa khẩu, tìm hiểu công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh và đặc biệt là tình hình thực thi các chính sách, cơ chế liên quan đến hải quan, khu kinh tế cửa khẩu, đời sống sinh hoạt, làm ăn của cư dân biên giới.
 
Theo báo cáo của các lực lượng chức năng, trong những tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn An Giang diễn biến phức tạp, lượng đường cát Thái Lan, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu có chiều hướng tăng và tái diễn tình trạng giành giật lại hàng lậu khi lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ. Dọc theo biên giới phía Campuchia vẫn còn những điểm tập kết và kho chứa đủ các loại hàng hóa, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người và ghe xuồng tham gia vận chuyển hàng lậu. Phương thức thủ đoạn vẫn là đai vác nhỏ lẻ, đưa vào cất giấu trong nhà dân rồi tìm cách tuồn về sâu trong nội địa hợp thức hóa chứng từ để tiêu thụ. Riêng tình trạng buôn lậu xăng dầu hiện không còn là vấn đề nóng bỏng do giá mặt hàng này không chênh lệch đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng đã kiểm tra, xử lý 1.350 vụ, tăng 33%, tổng trị giá hàng hóa bắt giữ khoảng 14 tỷ đồng, tăng 41%  và tổng số tiền thu giữ trên 9 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ năm trước.
 
Về hoạt động kinh tế cửa khẩu và công tác chăm lo, phát triển đời sống cư dân biên giới, sau khi có Quyết định số 65/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh An Giang đã thành lập khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh, tạo tiền đề quan trọng áp dụng các chính sách ưu đãi xúc tiến đầu tư kinh tế, nâng cao đời sống cho cư dân vùng biên qua việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi trong thông thương, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư vào khu thương mại đạt 150 tỷ đồng, thu hút hơn 40 DN kinh doanh với vốn đăng ký khoảng 350 tỷ đồng, phục vụ khoảng 200.000 lượt khách mỗi năm. Đời sống cư dân 18 xã biên giới được nâng cao rõ rệt.
 
Tăng cường đầu tư hạ tầng, phát huy thế mạnh đầu mối giao thương
 
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, An Giang là tỉnh có tiềm năng sản xuất hàng hóa và giữ vị trí đầu mối giao thương của khu vực, nên mặc dù đã đạt những kết quả nhất định nhưng sự phát triển của kinh tế cửa khẩu, công tác quản lý XNK, phòng chống, buôn lậu vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
 
“Qua kiểm tra cho thấy, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giao thương, phát triển cửa khẩu, biên giới của An Giang chưa thực sự tương xứng với yêu cầu. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, địa phương cũng cần khơi dậy hơn nữa tiềm năng đầu tư xã hội. Khu Thương mại Tịnh Biên là một ví dụ, với cơ chế và hạ tầng đầu tư ban đầu đã thu hút một lượng lớn đầu tư tư nhân vào đây trong một thời gian ngắn, đóng góp mạnh cho phát triển thương mại vùng. Vì vậy, tỉnh cần phối hợp với Bộ Xây dựng, GTVT hoàn chỉnh các quy hoạch, xác định lại vị trí khu kinh tế cửa khẩu, triển khai nâng cấp QL 956, cầu Long Bình phục vụ giao thương, vận chuyển hàng hóa”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
 
Đối với công tác quản lý hàng hóa XNK, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng ghi nhận vướng mắc và chỉ đạo Ban chỉ đạo 127 TW nghiên cứu, sửa đổi một số cơ chế bất cập về ưu đãi thuế đối với hàng hóa của cư dân biên giới, đề xuất cơ chế tăng cường đầu tư cho các lực lượng chức năng kiểm soát, kiểm tra, xử lý hàng hóa trái phép, chú trọng các biện pháp quản lý, kiểm tra trong nội địa, đặc biệt là đối với các mặt hàng nhập lậu gây tác động lớn đến sản xuất trong nước như đường trắng và thuốc lá.
 
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan sẽ sớm giải quyết những đề xuất, kiến nghị của tỉnh như vấn đề đầu tư đường tuần tra biên giới, nâng cấp hạ tầng các xã biên giới, nâng cấp thêm các cửa khẩu quốc gia cho phù hợp với quy mô XNK, XNC hiện nay, hướng dẫn thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam – Campuchia về phương tiện ô tô phi mậu dịch để giải quyết nhu cầu phát triển của 2 nước./.
Chinhphu.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)