Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt về nội dung dự án, giới thiệu công nghệ và báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo tiếp nhận kết quả dự án và nghiên cứu ứng dụng, đào tạo phổ biến công nghệ.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ GTVT Hoàng Hà phát biểu tại Hội thảo
Trong dự án này, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đóng vai trò là đơn vị tiếp nhận công nghệ và trang thiết bị dự án phục vụ nghiên cứu phát triển và đào tạo phổ biến công nghệ, tham gia trong quá trình thử nghiệm, đào tạo hiện trường và Nhật Bản. Trường đã tiếp nhận Hệ thống trộn vữa kết hợp CMS (Combination Mixing Slurry) của phương pháp thi công MITS (Middle Pressure Injection Total System).
PGS.TS Đồng Văn Hướng thay mặt Nhà trường cam kết
sẽ sử dụng hiệu quả thiết bị được bàn giao phục vụ giảng dạy và nghiên cứu
Các bộ phận chính của hệ thống thiết bị CMS bao gồm cần khoan chính có chiều dài thi công với cột tháp lắp đặt là 15.0m; Bộ ống khoan dài 1.0, 1.5, 3.0, 6.0m cùng với các phụ kiện tấm dẫn, thiết bị khóa ống… Đi kèm là các thiết bị quản lý thi công: đồng hồ đo lưu lượng vữa xi măng và đo áp lực phun, hộp chuyển mạch số, hộp điều khiển gắn trên máy xúc cơ sở, màn hình theo dõi áp lực phun, dây cáp, hộp lưu trữ dữ liệu v.v…; Cánh khuấy cải tiến đặc biệt có thiết kế 2 lỗ tròn đường kính 1.8cm để phun áp lực trung bình, 2 cánh khuấy có các mũi xới và đặc biệt là tấm chắn tại 2 đầu mút cánh khuấy nhằm tạo đường kính đồng đều từ 1000mm của trụ đất xi măng. Thiết bị khoan này phù hợp với áp lực phun vữa từ 5-20Mpa, số vòng quay của trục khoan 40-20 vòng phút, lưu lượng bơm vữa 50-160 lit/phút.
Các thành viên dự án giới thiệu về thiết bị cho các đại biểu
Việc tiếp nhận hệ thống thiết bị này giúp sinh viên Trường có thể quan sát tiếp cận trực tiếp công nghệ mới nhất được Bộ GTVT ban hành theo Quyết định số 2163/QD-BGTVT ngày 18/11/2019, việc giảng dạy phổ biến công nghệ này theo quyết định của Bộ GTVT được hỗ trợ tích cực và trực quan. Đồng thời, khoa chuyên môn và phòng thí nghiệm của Trường có thể khai thác thiết bị nhằm tham gia vào quá trình thi công công trình thực tế.
Đây là dự án Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản (Ban quản lý các dự án Đường thủy làm chủ dự án), Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Công ty TNHH Murakami Juuki, Nhật Bản thực hiện nhằm nghiên cứu tăng cường ổn định và sức chịu tải đất nền đặc biệt là các khu vực gặp khó khăn về điều kiện thi công gia cố nền đất yếu đồng thời giảm giá thành đầu tư xây dựng công trình so với các phương pháp thông thường hiện nay tại Việt Nam. Kết quả thử nghiệm sẽ được các cơ quan chuyên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá và trình Bộ GTVT xem xét chấp thuận áp dụng vào Việt Nam.